Sự kiện chính trị nổi bật đang diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc là Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi năm 2024. Với chủ đề "Chung tay thúc đẩy hiện đại hóa, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - châu Phi trình độ cao", hội nghị năm nay không chỉ nêu bật mục tiêu chung của Trung Quốc và các nước châu Phi trong việc thực thi hiện đại hóa mà còn là dịp để Bắc Kinh tìm cách điều chỉnh lại quan hệ kinh tế và thỏa thuận thương mại với lục địa đen cũng như tăng cường quan hệ với nền kinh tế đang phát triển do căng thẳng địa chính trị.
Quan hệ Trung Quốc - châu Phi bước sang trang mới
Tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi năm 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá Trung Quốc và châu Phi đã tạo nên "hình mẫu cho quan hệ quốc tế kiểu mới".
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu: "Nhờ gần 70 năm nỗ lực của cả hai bên, mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi hiện đang ở mức tốt nhất trong lịch sử. Với sự phát triển trong tương lai, tôi đề nghị nâng cấp quan hệ song phương giữa Trung Quốc với tất cả các nước châu Phi có quan hệ ngoại giao lên quan hệ chiến lược và nâng tầm quan hệ Trung Quốc - châu Phi lên cộng đồng Trung Quốc - châu Phi chia sẻ tương lai trong mọi điều kiện ở kỷ nguyên mới".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh ngày 2/9/2024 (Ảnh: THX/TTXVN)
Ông Tập nhấn mạnh, Trung Quốc và châu Phi chiếm 1/3 tổng dân số thế giới. Nếu không có sự hiện đại hóa của Trung Quốc và châu Phi, sẽ không có hiện đại hóa của thế giới.
"Trong 3 năm tới, Trung Quốc sẽ hợp tác với châu Phi thực hiện 10 hành động nhằm thúc đẩy hiện đại hóa, đưa hợp tác Trung Quốc - châu Phi đi vào chiều sâu và dẫn đầu quá trình hiện đại hóa miền Nam toàn cầu", Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố.
Để thực hiện 10 hành động hợp tác này, ông Tập tuyên bố, chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính hơn 50 tỷ USD trong 3 năm tới cho châu Phi.
Trung Quốc cũng sẽ áp dụng ưu đãi thuế quan bằng 0 đối với tất cả các nước kém phát triển có quan hệ ngoại giao, trong đó có 33 quốc gia châu Phi; thực hiện 30 dự án kết nối cơ sở hạ tầng ở châu lục này, nhằm thúc đẩy hợp tác "Vành đai và Con đường" chất lượng cao; khởi động 30 dự án năng lượng sạch ở châu Phi, cùng nhiều khoản viện trợ và hỗ trợ về nông nghiệp, y tế và dạy nghề...
Riêng về hợp tác an ninh, Trung Quốc cam kết sẽ cung cấp cho châu Phi khoản tài trợ quân sự trị giá 1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 141 triệu USD), đào tạo cho châu lục này hàng nghìn quân nhân, cảnh sát và nhân viên thực thi pháp luật. Hai bên cũng sẽ tiến hành các cuộc tập trận, huấn luyện và tuần tra chung.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi sau 6 năm kể từ năm 2018. Đây cũng là sự kiện ngoại giao lớn nhất do Trung Quốc tổ chức trong nhiều năm qua, với sự tham dự đông đảo nhất của các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Thách thức trong hợp tác Trung Quốc - châu Phi
Bên cạnh những tiềm năng to lớn, quan hệ hợp tác Trung Quốc - châu Phi cũng đứng trước không ít thách thức, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Theo giáo sư Đường Hiểu Dương của Đại học Thanh Hoa, tính phân mảnh của thị trường và tình hình chính trị không ổn định ở một số quốc gia châu Phi khiến việc quy hoạch cơ sở hạ tầng dài hạn và xây dựng chuỗi logistics thông suốt ở châu lục này trở nên khó khăn. Điều này có thể làm giảm hiệu quả kỳ vọng của các dự án đầu tư trong trung và dài hạn.
Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu nông sản từ châu Phi
Bên cạnh đó, hợp tác Trung Quốc - châu Phi cũng chịu một số tác động ngắn hạn từ các yếu tố khách quan và tình hình kinh tế thế giới, đơn cử như lãi suất cao ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu hiện nay.
Về thương mại, kim ngạch hai chiều những năm qua gia tăng ổn định nhưng còn thiếu cân bằng, khiến tình trạng thâm hụt thương mại của châu Phi với Trung Quốc có xu hướng ngày càng gia tăng. Mặc dù Trung Quốc đã cam kết tăng cường nhập khẩu nông sản nhưng các quy định chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay sẽ vẫn là rào cản khó vượt qua đối với các sản phẩm nông nghiệp của châu Phi.
Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy quan hệ với châu Phi
So với các đối tác khác, hợp tác Trung Quốc - châu Phi tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực kinh tế, thương mại - đầu tư, đặc biệt là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, đường bộ, cảng biển và năng lượng…
Về chính trị, "bình đẳng, cùng có lợi và không can thiệp nội bộ" là điểm khác biệt rõ rệt nhất và cũng được Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh tại các diễn đàn hợp tác với châu Phi. Theo đó, Trung Quốc chủ trương hợp tác với tất cả các quốc gia và đối tác mà không đặt điều kiện chính trị hay dân chủ, nhân quyền.
Nhờ đó, Trung Quốc có thể dễ dàng hợp tác với những quốc gia với thể chế chính trị khác nhau. Nguồn tài chính của Trung Quốc cũng thường linh hoạt hơn, với những khoản vay lãi suất thấp và các gói tài chính dễ tiếp cận, qua đó mang lại lợi thế cạnh tranh rõ rệt cho các dự án hợp tác của nước này tại châu Phi.
Với tiếng nói ngày càng có ý nghĩa của châu Phi tại các diễn đàn toàn cầu, cùng sự giàu có về tài nguyên, dân số trẻ tăng nhanh, lục địa châu Phi đang trở thành "miền đất hứa", nơi diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc trong thế kỷ 21. Điều đó được thể hiện rõ trong sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu những năm gần đây.
Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng các quốc gia cần hợp tác và cạnh tranh bình đẳng, không vì lợi ích riêng mà biến cạnh tranh trở thành tranh chấp, đối đầu, gây tổn hại cho an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực châu Phi nói riêng và toàn cầu nói chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!