Đây là lần đầu tiên bà Merkel đến Moscow trong gần 2 năm qua. Nhưng đáng chú ý, đây có thể là chuyến công du cuối cùng của bà trên cương vị Thủ tướng Đức. Lý do là cuộc bầu cử Quốc hội Đức sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng nữa, trong khi bà Merkel tuyên bố sẽ không ứng cử sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp lãnh đạo chính phủ.
Thông báo của điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức sẽ thảo luận về triển vọng phát triển hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, cũng như xem xét các vấn đề thời sự quốc tế và khu vực.
Hãng thông tấn TASS của Nga trích lời người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết, tình hình ở Afghanistan, Belarus và Ukraine chắc chắn sẽ được bà Merkel và ông Putin tập trung thảo luận. Ngoài ra, cũng sẽ có vấn đề của dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Quan hệ song phương hai nước tương đối ổn định, ngoại trừ một số bất đồng nhỏ
Kỷ nguyên vàng Nga - Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Vladimir Putin sắp kết thúc, nhưng không có nghĩa hợp tác song phương sẽ dừng lại. Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo được kỳ vọng mang tới một số điều chỉnh cần thiết, tạo cầu nối để người kế nhiệm bà Merkel có thể tiếp tục phát triển quan hệ với Moscow.
Thủ tướng Angela Merkel thăm Washington, thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 7
Quan hệ song phương Đức - Nga dưới thời Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Vladimir Putin tương đối ổn định, ngoại trừ một số bất đồng nhỏ cần hóa giải, như các vụ việc liên quan đến tình nghi gián điệp, tấn công mạng, hay những nhân vật có quan điểm chính trị đối lập như Aleksei Navalny. Bà Merkel và ông Putin thường xuyên điện đàm, lần gần đây nhất là ngày 21/7.
Hợp tác giữa Moscow và Berlin bất chấp nhiều cấm vận chung từ Mỹ với EU, vẫn đạt hiệu quả, thể hiện rõ nét thông qua dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Dự án này là vấn đề then chốt trong quan hệ song phương, nhưng lại liên quan tới hai nhân tố lớn khác là Ukraine và Mỹ.
Dự án dòng chảy phương Bắc 2 là đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức gần như đã hoàn thành, với tổng công suất 55 tỷ mét khối mỗi năm. Mỹ đã bốn lần áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm cản trở hoạt động xây dựng, trước khi bật đèn xanh cho dự án này sau chuyến thăm Mỹ của bà Merkel, cùng với cam kết của Berlin là tìm cách gia hạn quá trình vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine sau năm 2024.
Tức là cũng không loại trừ khả năng Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga sẽ phải thảo luận về triển vọng hợp tác, tìm tiếng nói chung trong vấn đề Ukraine một khi Đức có nội các mới.
Thủ tướng Angela Merkel gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Điều này là có cơ sở nếu nhìn vào chuỗi chuyến thăm của Thủ tướng Angela Merkel. Tháng trước, bà thăm Washington, thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cuối tuần này, bà tới Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Có lẽ bà Merkel muốn sớm tháo gỡ những nút thắt còn lại của dự án Dòng chảy phương Bắc 2, tạo tiền đề cho người kế nhiệm củng cố quan hệ với tất cả các bên.
Nước Đức chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển giao chính trị quan trọng trong nhiều thập kỷ
Trong nhiều năm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel vốn là người đóng vai trò "mỏ neo" trong quan hệ không chỉ giữa Đức với Nga, mà giữa Nga với EU.
Hai ứng cử viên sáng giá làm người kế nhiệm của bà Merkel hiện nay là ông Armin Laschet của Đảng CDU và bà Annalena Baerbock của Đảng Xanh lại có tầm nhìn khác nhau đáng kể trong mối quan hệ với nước Nga. Tuy nhiên, nếu Đức có một chính phủ liên minh của hai đảng này thì nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc tiếp nối các chính sách của Thủ tướng Merkel, đó là cân bằng giữa lợi ích thương mại của Đức và duy trì liên minh xuyên Đại Tây Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!