Chuyện nóng tuần qua: Biến thể Delta "châm ngòi" làn sóng dịch mới, thiên tai càn quét từ châu Á đến châu Âu

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 23/07/2021 11:29 GMT+7

VTV.vn - Thiên tai ở châu Á, châu Âu, biến thể Delta ám ảnh thế giới và chuyến bay vào vũ trụ của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos là những câu chuyện quốc tế nổi bật trong tuần này.

Cơn "ác mộng" biến thể Delta đang kéo thế giới vào làn sóng dịch COVID-19 mới

Đến nay, 124 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận ca mắc biến thể Delta.

Ông Tedros Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu: "Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một làn sóng lây nhiễm và tử vong khác. Đây là một thảm kịch".

Tại Mỹ, biến thể Delta xuất hiện trong 83% số ca mắc COVID-19 đã được giải trình tự gene. Ở Anh, Australia, Trung Quốc, Singapore, tỷ lệ này cũng đều trên 75%.

Châu Á đang phải căng mình đối phó đợt tấn công mạnh nhất của dịch COVID-19 trong hơn 1,5 năm hoành hành. Và tại châu lục đông dân nhất thế giới này, Đông Nam Á đang là điểm nóng dịch bệnh căng thẳng nhất. 5 trong 10 quốc gia ở khu vực này ghi nhận số ca mắc mới tăng nhanh nhất theo tuần. Cụ thể, ba nước là Indonesia, Thái Lan và Malaysia liên tục ghi nhận trên 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, bị liệt vào nhóm nước có nhiều người nhiễm nhất thế giới.

Chuyện nóng tuần qua: Biến thể Delta châm ngòi làn sóng dịch mới, thiên tai càn quét từ châu Á đến châu Âu - Ảnh 1.

Dịch bệnh ở Indonesia lan truyền nhanh chóng, số ca mắc mới tăng theo cấp số nhân. (Ảnh: AP)

Indonesia - điểm nóng dịch bệnh của châu Á

Với số ca mắc và tử vong hàng ngày do COVID-19 cao hơn cả Ấn Độ, Indonesia hiện là tâm dịch của châu Á. Các trường hợp lây nhiễm bắt đầu gia tăng vào cuối tháng 5, sau kỳ nghỉ lễ đánh dấu sự kết thúc tháng ăn chay của người Hồi giáo. Dịch bệnh nhanh chóng tăng theo cấp số nhân.

Các chuyên gia nhận định, ngành y tế Indonesia đã ở mức quá tải. Số ca tử vong của trẻ em cao bất thường và rào cản tin giả đang khiến khủng hoảng dịch bệnh tại Indonesia trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.

Indonesia hiện ghi nhận tổng cộng hơn 3 triệu ca mắc và trên 79.000 người tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, số liệu này chưa đánh giá đúng mức độ lây lan thực sự do tỷ lệ xét nghiệm còn thấp. Indonesia là một trong những nước có hệ thống xét nghiệm yếu nhất thế giớ, cứ 1.000 người mới có hơn 55 xét nghiệm được thực hiện.

Làn sóng COVID-19 thứ 2 tại Indonesia ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là số trẻ em tử vong đã tăng gấp 4 lần trong những tuần gần đây. Kể từ đầu đại dịch đến nay, đã có hơn 550 trẻ em ở nước này tử vong do COVID-19. Việc các phụ huynh nhầm lẫn triệu chứng COVID-19 với cảm lạnh, chậm trễ đưa con đến bệnh viện được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Indonesia cũng phải đối mặt với vấn nạn tin giả lan truyền trên mạng xã hội, khiến một số người sợ hãi và lo lắng, dẫn đến việc do dự tiêm vaccine COVID-19. Tất cả những vấn đề này đang khiến tâm dịch châu Á Indonesia phải chật vật xoay xở trong cuộc chiến chống lại COVID-19.

Chuyện nóng tuần qua: Biến thể Delta châm ngòi làn sóng dịch mới, thiên tai càn quét từ châu Á đến châu Âu - Ảnh 2.

Tại Pháp, tỷ lệ số ca mắc mới lên tới 134%. (Ảnh: AP)

Vì sao dịch COVID-19 lây lan mạnh tại Pháp?

Một hiện tượng rất đáng lo trong tuần qua là ngay cả ở những nước có tốc độ tiêm vaccine nhanh, dịch bệnh cũng đang quay trở lại. Số liệu cập nhật cho thấy, số ca mắc mới tuần này tại các nước Anh, Tây Ban Nha và Mỹ tăng chóng mặt. Riêng Pháp chứng kiến tốc độ tăng số ca mắc mới lên tới 134%. Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp cảnh báo, biến thể Delta đang khiến COVID-19 đang lây lan ở tốc độ chưa từng thấy, trong khi Pháp có tỷ lệ tiêm vaccine hàng đầu tại châu Âu

Trong 24 giờ qua, số ca lây nhiễm COVID-19 mới tại Pháp đã tăng mạnh, lên đến 21.000 người và Pháp được dự báo đang bước vào làn sóng dịch thứ 4. Để trả lời cho câu hỏi vì sao lại có sự tăng lên một cách đột biến như thế, có thể lý giải bằng 3 nguyên nhân sau:

- Những người trẻ tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi giải trí trong dịp hè này là những người nhiễm bệnh, truyền vi khuẩn và đều là đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ. Họ vẫn là đối tượng tiếp tục cần được tiêm chủng trong thời gian tới.

- Cho đến lúc này, chưa có loại vaccine nào được coi là tuyệt đối để chống lại COVID-19.

- Chủng Delta là một biến thể rất mạnh, khả năng truyền bệnh cao gấp 3 đến 4 lần so với những chủng trước là Alpha và Beta. Nếu như biến chủng Alpha và Beta sẽ tạo nên vi khuẩn một cách mạnh nhất vào ngày thứ 4, biến thể Delta đã có thể tạo nên một lượng vi khuẩn rất lớn vào ngày thứ 2.

Chuyện nóng tuần qua: Biến thể Delta châm ngòi làn sóng dịch mới, thiên tai càn quét từ châu Á đến châu Âu - Ảnh 3.

Trong những ngày vừa qua, hai tỷ phú Anh và Mỹ đã thực hiện hai chuyến bay vào vũ trụ. (Ảnh: AP)

Thông điệp truyền cảm hứng khi các tỷ phú du hành không gian

Một câu chuyện quốc tế khác cũng rất nổi bật trong những ngày vừa qua là sự kiện các tỷ phú thực hiện chuyến bay vào vũ trụ. Đầu tiên là chuyến bay lịch sử của tỷ phú Richard Branson và tuần này là chuyến bay của tỷ phú Jeff Bezos. Những ý kiến chỉ trích cho rằng, đây là cuộc đua tốn kém và cũng chỉ là thú vui của các vị tỷ phú giàu có, trong lúc nhiều người đang chật vật vì đại dịch COVID-19. Thậm chí, gần 100.000 người đã ký vào kiến nghị không cho ông Bezos trở về Trái đất. Tuy nhiên, đối với chính bản thân người trong cuộc, họ thực hiện dự án với niềm tin về sứ mệnh truyền nguồn cảm hứng cho cộng đồng.

Đối với tỷ phú Jeff Bezos, sứ mệnh du lịch dưới quỹ đạo của Blue Origin là cầu nối cho những tham vọng lớn hơn về cuộc phiêu lưu trong vũ trụ. Ông cho rằng, con người thực sự phải di chuyển ngành công nghiệp nặng và ngành công nghiệp gây ô nhiễm như năng lượng và sản xuất vi mạch ra khỏi Trái đất. Ông Bezos trước đây cũng từng nói rằng, ông hy vọng một ngày nào đó sẽ có hàng triệu người sống và làm việc trong không gian, có thể là bên trong các trạm vũ trụ khổng lồ.

Trong khi đó, Tỷ phú Richard Branson gọi chuyến bay vào rìa vũ trụ bằng máy bay siêu thanh của ông là "sự trải nghiệm trọn vẹn của một đời người". Ông hy vọng, công nghệ máy bay vũ trụ siêu thanh có thể giúp việc đi lại của con người trong tương lai được nhanh hơn.

Chuyện nóng tuần qua: Biến thể Delta châm ngòi làn sóng dịch mới, thiên tai càn quét từ châu Á đến châu Âu - Ảnh 4.

Mưa lũ kinh hoàng tại Đức. (Ảnh: AP)

Lũ lụt kinh hoàng tại châu Âu và Trung Quốc trong những ngày qua

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, làm cho cuộc sống trở nên tiện lợi hơn. Tuy nhiên, mặt trái của những công nghệ tiêu thụ năng lượng hóa thạch là hoạt động xả thải làm trầm trọng thêm hiện tượng biến đổi khí hậu. Trong những ngày qua, mưa lũ kinh hoàng đã càn quét Trung Quốc và châu Âu, đây có lẽ là lời cảnh báo của mẹ thiên nhiên.

Ít nhất 170 người thiệt mạng, hàng trăm người vẫn đang mất tích khi Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg hứng chịu trận lũ lịch sử. Nhà cửa, đường sá, cầu cống bị phá huỷ, kế sinh nhai của hàng nghìn người dân bị nước lũ cuốn trôi.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, 25 người đã thiệt mạng, 8 người còn mất tích, hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán khi tỉnh Hà Nam hứng chịu mưa lũ kỷ lục. Từ châu Á đến châu Âu, thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn.

Delta có thể trở thành biến thể siêu lây nhiễm trên toàn cầu Delta có thể trở thành biến thể siêu lây nhiễm trên toàn cầu Tỷ phú Jeff Bezos bay thành công vào không gian - bước ngoặt trong ngành du lịch vũ trụ tư nhân Tỷ phú Jeff Bezos bay thành công vào không gian - bước ngoặt trong ngành du lịch vũ trụ tư nhân Ít nhất 205 người  thiệt mạng trong trận mưa lũ nghiêm trọng ở Tây Âu Ít nhất 205 người thiệt mạng trong trận mưa lũ nghiêm trọng ở Tây Âu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước