COP27: Thỏa thuận bước ngoặt nhưng còn chưa thuyết phục

Quang Duy (Tham khảo Reuters, BBC, Phái đoàn Việt Nam tại COP27)-Thứ hai, ngày 21/11/2022 19:22 GMT+7

VTV.vn - Sau hơn 15 ngày làm việc căng thẳng, Hội nghị COP27 đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhưng còn những điểm chưa thuyết phục các bên tham dự.

Sáng ngày 20/11, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát trong phiên toàn thể bế mạc. Những điểm quan trọng nhất đạt được từ ​​hội nghị thượng đỉnh có thể được tóm tắt trong hai ý chính.

"Khoảnh khắc lịch sử" kể từ Thỏa thuận Paris 2015

Điều khoản đáng chú ý nhất trong thỏa thuận chung tại COP27 là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Trải qua hơn 30 năm đàm phán, nội dung này mới lần đầu được đưa vào thực hiện. Đây là thắng lợi lớn nhất của các nước đang phát triển, trong nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vẫn chưa rõ quỹ này sẽ vận hành với cơ chế như thế nào. Tiền quỹ lấy từ đâu và bao nhiêu sẽ là đủ để quỹ hoạt động?

Để dễ hình dung, BBC lấy ví dụ về khoản đóng góp của Liên minh châu Âu (EU) vào quỹ này là 60 triệu Euro trong khi các chi phí thiệt hại mà Pakistan hứng chịu trong trận lũ lụt lịch sử mùa hè vừa qua đã lên đến 30 tỷ USD.

COP27: Thỏa thuận bước ngoặt nhưng còn chưa thuyết phục - Ảnh 1.

Thành lập thành lập quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" được coi là khoảnh khắc lịch sử tại COP27 - Ảnh: Reuters

Thế nhưng gạt sang bên nhưng sự hoài nghi, bài bình luận trên trang BBC đánh giá việc các bên nhất trí thành lập quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại không chỉ là vấn đề về tài chính khí hậu, sự ra đời của quỹ này đã thể hiện sự đoàn kết và truyền đi thông điệp không có ai bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Việc đồng ý thành lập quỹ được ca ngợi như một "khoảnh khắc lịch sử" kể từ Thỏa thuận Paris giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất đạt được tại Hội nghị COP21 năm 2015.

Giảm nhẹ ngôn từ về khả năng kiềm chế mức tăng nhiệt 1,5 độ C

Nhiều khả năng thế giới sẽ trở nên nóng hơn, với mức nhiệt trung bình tăng lên trên mức 1,5 độ C ngay từ năm 2031 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo các nhà khoa học, giới hạn mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C là "hành lang an toàn" trước các tác động mang tính thảm họa do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thế giới đang đi chệch hướng trong thực hiện mục tiêu này và đang tiến tới mức tăng nhiệt 2,5 độ C, căn cứ vào những cam kết và kế hoạch khí hậu hiện nay. Văn bản thỏa thuận chung tại COP27 chỉ dùng chữ giảm dần (phasing down) thay vì tiến tới loại bỏ (phasing out) việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cụ thể là sử dụng than, trở thành một trong những khác biệt then chốt giữa Mỹ, EU với Trung Quốc trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.

Nhìn chung thỏa thuận tại COP27 không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị COP26 tại Glasgow, Vương quốc Anh hồi năm ngoái liên quan tới các vấn đề chủ chốt.

COP27: Thỏa thuận bước ngoặt nhưng còn chưa thuyết phục - Ảnh 2.

Biểu ngữ phản đối sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại COP27 - Ảnh: Reuters

Nhiều bên tỏ ra thất vọng sau thỏa thuận tại COP27

Phản ứng về thỏa thuận cuối cùng vừa được thông qua tại Hội nghị COP27, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng Hội nghị đã chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu. Ông Guterres khẳng định: "Hành tinh của chúng ta vẫn đang trong tình cảnh nguy cấp. Chúng ta cần giảm mạnh ngay khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề mà COP lần này chưa giải quyết được".

Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Frans Timmermans cho rằng thỏa thuận về khí hậu đạt được tại Hội nghị COP27 ở Ai Cập không phải là một bước tiến đủ mạnh, đồng thời ông chỉ trích cam kết của một số quốc gia đối với nỗ lực hạn chế nhiệt độ gia tăng. Phát biểu họp báo, ông Timmermans nói: "Đây là thập kỷ quyết định thành công hay thất bại, nhưng những gì chúng ta có trước mắt không đủ để tạo nên một bước tiến cho con người và hành tinh. Thỏa thuận đạt được chưa mang lại thêm đủ động lực để các quốc gia có lượng khí thải lớn tăng cường và đẩy nhanh việc giảm khí thải".

COP27: Thỏa thuận bước ngoặt nhưng còn chưa thuyết phục - Ảnh 3.

Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU, ông Frans Timmermans trả lời báo chí bên lề Hội nghị COP27 - Ảnh: Reuters

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Khí hậu Bỉ Zakia Khattabi cho rằng thỏa thuận cuối cùng được thông qua tại COP27 đã khiến nhiều người thất vọng, cho dù các cuộc đàm phán đã được kéo dài so với kế hoạch.

Trong khi đó trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng sự thiếu tham vọng giảm khí thải có nghĩa là "thế giới đang mất thời gian quý báu trên đường tiến tới giới hạn tăng nhiệt trên Trái Đất ở mức 1,5 độ C.

COP27: Thỏa thuận bước ngoặt nhưng còn chưa thuyết phục - Ảnh 4.

Thảm họa lũ lụt tại Pakistan được coi là minh chứng rõ nét của tình trạng biến đổi khí hậu - Ảnh: AP

Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho rằng Hội nghị COP27 tại Ai Cập đã đạt tiến triển rõ rệt trong vấn đề cung cấp vốn cho các nước dễ chịu tổn thương nhưng thỏa thuận khí hậu chưa đủ tham vọng. Bộ trưởng Pháp khẳng định chưa có tiến bộ trong việc tăng cường nỗ lực nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cấm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực tại COP27

Trong khuôn khổ COP27, phái đoàn Việt Nam tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời nghiên cứu triển khai thị trường carbon và chuyển đổi năng lượng. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại COP27, đoàn Việt Nam có 3 nhiệm vụ. Thứ nhất, Việt Nam cùng với các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu bàn thảo để đưa các cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện trên thực tế. Thứ hai, tiếp nối COP26, Việt Nam sẽ tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Thứ ba,Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động song phương với các tổ chức quốc tế đa phương, các doanh nghiệp liên quan chuyển đổi năng lượng, tiếp xúc các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác.

COP27: Thỏa thuận bước ngoặt nhưng còn chưa thuyết phục - Ảnh 5.

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu tham dự COP 27. Ảnh: Chinhphu.vn

Cập nhật thông tin sau Hội nghị COP27, ông Phạm Văn Tấn - Phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27 - cho biết, rất nhiều nước, tổ chức đã mời Việt Nam trao đổi tại những hội nghị quan trọng trong những ngày Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có mặt tại hội nghị. Nổi bật là cuộc họp hàng năm của các nước tham gia Cam kết metan do Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry chủ trì với sự tham gia của hơn 40 bộ trưởng ngày 14/11. 100 nước tham gia Tuyên bố metan ngày 17/11. Cả 2 hội nghị này đều mời Việt Nam phát biểu và với cái thời lượng rất thích hợp. Theo quan sát của ông Phạm Văn Tấn, chưa năm nào thấy vị thế của Việt Nam, tiếng nói của Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các thỏa thuận của hội nghị nổi bật như hội nghị lần này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết tiếp tục cùng với các nước trên thế giới trao đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực đóng góp từ các nước phát triển. Nguồn lực này cần được phân bổ một cách minh bạch, cân bằng cho các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng của các quốc gia đang phát triển và kém phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước