Việc bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu tại các vị trí khác trong cơ thể. Các nhà khoa học đã nghiên cứu gần 0,5 triệu bệnh nhân COVID-19 để xem liệu họ có hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch hoặc động mạch của võng mạc, mô thần kinh ở phía sau của mắt, nơi nhận hình ảnh và gửi chúng đến não, hay không. Trong sáu tháng tiếp theo, đã có 65 bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch võng mạc.
Mặc dù con số trên là thấp nhưng điều này phản ánh mức tăng tới 54% so với tỷ lệ trước khi mắc COVID-19, theo một báo cáo được công bố trên tạp chí JAMA Ophthalmology. Việc hình thành các cục máu đông ở động mạch võng mạc sau khi mắc COVID-19 xảy ra phổ biến hơn 35% so với trước đó, nhưng sự khác biệt này có thể là do ngẫu nhiên. Cục máu đông thường xảy ra nhất ở những bệnh nhân gặp các bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về mạch máu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao.
Nguy cơ xuất hiện cục máu đông dường như không liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, nghiên cứu không thể chứng minh rằng COVID-19 gây ra cục máu đông trong mắt của những bệnh nhân này, đồng thời cho biết cần có các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Bên cạnh đó, dữ liệu mới cho thấy, những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có nguy cơ bị nhiễm trùng đột phá (là trường hợp một người được tiêm đầy đủ vaccine ngăn ngừa một bệnh nhưng bị mắc lại chính bệnh đó) cao hơn sau khi tiêm vaccine COVID-19.
Các nhà nghiên cứu ở California đã theo dõi hơn 0,25 triệu bệnh nhân được tiêm chủng đầy đủ trong hệ thống y tế của Cơ quan Cựu chiến binh Mỹ. Gần như tất cả đều là nam giới, và khoảng một nửa đã ít nhất một lần được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong 5 năm qua. Nhìn chung, 14,8% mắc COVID-19 mặc dù đã tiêm phòng.
So với những người tham gia nghiên cứu không được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe tâm thần, những người trên 65 tuổi lạm dụng chất kích thích, bị rối loạn tâm thần, rối loạn lưỡng cực, rối loạn điều chỉnh hoặc thường xuyên lo lắng đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng đột phá cao hơn tới 24%, nghiên cứu cho thấy. Đối với những người dưới 65 tuổi, rủi ro cao hơn tới 11% so với những người không có tiền sử tâm thần.
Trưởng nhóm nghiên cứu Aoife O'Donovan thuộc Hệ thống chăm sóc sức khỏe San Francisco VA cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, sự gia tăng tình trạng bị nhiễm trùng đột phá ở những người bị rối loạn tâm thần không thể được giải thích hoàn toàn bởi các yếu tố nhân khẩu học xã hội hoặc các bệnh lý có sẵn. Có thể khả năng miễn dịch sau khi tiêm phòng suy yếu nhanh hơn hoặc mạnh hơn đối với những người bị rối loạn tâm thần và / hoặc họ có thể có ít khả năng bảo vệ hơn đối với các biến thể mới".
Theo đó, kết quả nghiên cứu trên vẫn chưa được đánh giá đồng cấp chứng nhận và cần được phân tích sâu hơn để chứng thực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!