Thống kê mới nhất từ Worldometers, thế giới đang có gần 3,5 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó có hơn 244.000 người tử vong vì COVID-19.
Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca nhiễm bệnh và tử vong lớn nhất thế giới. Tính ở thời điểm hiện tại, nước Mỹ có gần 1,16 triệu ca nhiễm bênh, và hơn 67.000 người tử vong.
Tây Ban Nha đứng thứ 2 với hơn 245.000 ca nhiễm bệnh – hơn 25.000 người tử vong. Tiếp theo là Italy với hơn 209.000 ca nhiễm bệnh – hơn 28.000 người tử vong… Tính đến chiều qua (2/5), số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu đã vượt qua con số 1,5 triệu người.
Thê giới đang có gần 3,5 triệu người nhiễm COVID-19
Tuy nhiên những dấu hiệu tích cực trong kiểm soát dịch bệnh tại nhiều quốc gia đã được phát đi. Tại Mỹ, trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận hơn 28.000 ca nhiễm mới và hơn 1.600 người tử vong, so với hơn 36.000 ca nhiễm và gần 1.900 người tử vong vào ngày hôm qua. NewYork, tâm dịch COVID-19 tại nước Mỹ ghi nhận số người nhiễm và số người nhập viện tiếp tục giảm.
Tương tự tại Pháp, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp trong 24 ngày qua. Còn ở Anh, nước này cũng cho biết số người phải nhập viện vì COVID-19 đã giảm.
Những hy vọng về việc kiểm soát đại dịch COVID-19 đã tiếp tục được bồi đắp khi thông tin tích cực được phát đi ở nhiều quốc gia.
Trong khi đó ở Tây Ban Nha, Italy đang từng bước nới lỏng phong tỏa sau khi dịch bệnh có xu hướng được kiểm soát. Cụ thể kể từ ngày 2/5, người dân Tây Ban Nha bắt đầu được phép đi dạo hoặc chơi thể thao bên ngoài.
Còn ở Italy, Bộ Giáo dục nước này đã thông báo đóng cửa các trường học phổ thông đến tháng 9, song đang lên kế hoạch mở cửa trở lại các trường mầm non và tổ chức học Hè với quy mô nhỏ để trẻ em vui chơi sau 2 tháng thực hiện lệnh cách ly nghiêm ngặt.
Tại Đông Nam Á, ổ dịch lớn nhất khu vực Singapore cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận thêm 447 ca nhiễm mới, so với 932 ca nhiễm mới thời điểm ngày hôm qua. Hiện Singapre đang ghi nhận 17.548 ca nhiễm COVID-19.
Tại Việt Nam, 17 ngày liên tiếp đã không ghi nhận ca nhiễm mới ở cộng đồng
Còn ở Việt Nam, 17 ngày liên tiếp đã không ghi nhận ca nhiễm mới ở cộng đồng. Hiện số ca nhiễm bệnh ở Việt Nam tiếp tục dừng ở mức 270 ca, trong đó 219 ca đã được điều trị khỏi bệnh.
"Điểm nóng" nước Nga
Nước Nga đang trở thành điểm nóng của đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm bệnh tăng mạnh liên tiếp trong ít ngày qua.
Theo Worldometers, trong 24 giờ qua, nước Nga ghi nhận thêm hơn 9.600 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 124.000 người.
Nga đang trở thành "điểm nóng" mới của đại dịch COVID-19
Đáng chú ý, sau Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, đã có thêm một thành viên quan trọng trong Chính phủ nước này được phát hiện dương tính với COVID-19. Hãng thông tấn TASS ngày 1/5 (giờ địa phương) dẫn thông cáo báo chí của Bộ Xây dựng và Nhà ở Nga cho biết, Bộ trưởng bộ này Vladimir Yakushev và cấp phó của ông Dmitry Volkov đã xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới SARS-CoV-2.
Cùng với Nga, tình hình cũng đang rất căng thẳng tại Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận thêm hơn 4.400 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 96.000. Hiện Brazil là ổ dịch COVID-19 lớn nhất khu vực Nam Mỹ.
Đức thúc đẩy nghiên cứu vaccine chống virus SARS-CoV-2
Ngày 2/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch triển khai sẽ có mặt trên toàn cầu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi gây quỹ trị giá 7,5 tỉ Euro (khoảng 8,3 tỉ USD) để phục vụ công tác nghiên cứu và điều chế vaccine chống SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo bà Merkel, số tiền này thực tế vẫn chưa đủ.
Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh Berlin sẽ nhận trách nhiệm cũng như đóng góp một khoản tài chính đáng kể cho việc phát triển vaccine, thuốc cũng như những lựa chọn chẩn đoán tốt nhất cho tất cả mọi người trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!