Đây chỉ là một vài trong số 98 triệu chứng khác nhau mà bệnh COVID-19 để lại, được giới y khoa gọi là Hội chứng "Long COVID" (COVID kéo dài). Hội chứng này vẫn đang âm thầm hủy hoại chất lượng cuộc sống của rất nhiều người, dù đã khỏi bệnh.
Nghiên cứu có lẽ đầu tiên trên thế giới về Hội chứng COVID kéo dài được đăng tháng 7 năm ngoái trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, đã chỉ ra rằng, 87% bệnh nhân COVID-19 đã gặp phải ít nhất 1 triệu chứng dai dẳng hai tháng sau khi khỏi bệnh. Thậm chí, di chứng bệnh COVID-19 để lại là tình trạng giảm lượng chất xám trong não - kéo dài đến 6 tháng kể từ khi bệnh nhân xuất viện, theo nghiên cứu của Đại học Georgia.
Còn theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature, trong vòng 1 đến 6 tháng sau khi mắc COVID-19, những người có triệu chứng nhẹ vẫn có nguy cơ tử vong cao hơn 60% so với những người không mắc bệnh.
Hội chứng COVID kéo dài có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng phụ nữ và nhân viên y tế dường như có nguy cơ cao hơn. Kết quả nghiên cứu do trường Đại học Leicester, Anh, trung bình 5 tháng sau khi xuất viện, tới 70% bệnh nhân COVID-19 vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một nghiên cứu khác do trường Đại học Glasgow thực hiện cho thấy, 7 tháng sau khi được điều trị tại bệnh viện, phụ nữ dưới 50 tuổi có nguy cơ bị khó thở hơn gấp 7 lần và bị mệt mỏi hơn gấp 2 lần, so với nam giới cùng tuổi bị nhiễm COVID-19.
Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý, hội chứng COVID kéo dài còn khiến 18% người không thể quay trở lại làm việc và buộc 19% người phải thay đổi việc làm - theo nghiên cứu của đại học Leicester, Anh.
Bên trong trung tâm điều trị triệu chứng COVID kéo dài
"Nhìn tôi thì bình thường, nhưng cơ thể tôi thì đang vụn vỡ". Đó là lời tâm sự của một bệnh nhân đang phải điều trị Hội chứng COVID kéo dài tại Bệnh viện đại học London ở Anh. Các phóng viên của tờ "Người bảo vệ" đã được mời đến để tìm hiểu về việc điều trị bên trong trung tâm dành cho những bệnh nhân đặc biệt này.
Từ hơn 1 năm nay, Dịch vụ Y tế công quốc gia NHS của Anh đã phải tiếp nhận khoảng 1 triệu bệnh nhân điều trị vô số các triệu chứng mãn tính khác nhau, từ mệt mỏi liên tục đến các vấn đề về vị giác và khứu giác trong nhiều tháng. Có 1 điểm chung, họ là những người đã khỏi COVID-19!
Hầu hết các bệnh nhân đến đây sẽ được hướng dẫn trị liệu kết hợp dùng thuốc và chỉ định điều trị ngoại trú. Thường các bác sĩ sẽ điều trị "đích", vào các triệu chứng cụ thể của mỗi bệnh nhân. Quá trình phục hồi cũng giống như việc ghép lại những mảnh vỡ trong cơ thể mà COVID -19 gây ra, và có thể mất nhiều tháng trời.
Vì sao lại có Hội chứng COVID kéo dài?
Thực tế đến nay, thế giới có không ít dịch bệnh do virus gây ra để lại các di chứng cho người bệnh, nhưng có lẽ Hội chứng COVID kéo dài được đánh giá là nghiêm trọng và phức tạp chưa từng thấy. Vậy thì do đâu?
Có rất nhiều giả thuyết, nhưng vẫn chưa câu trả lời xác đáng cho Hội chứng COVID kéo dài:
Virus ẩn náu trong cơ thể
Virus SARS-CoV-2 có thể đã bị quét khỏi cơ thể người bệnh ở mức không còn phát hiện ra, nhưng nó có thể vẫn tồn tại một số lượng rất ít ở một số góc khuất trong cơ thể và vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến chức năng cơ quan đó.
Hệ miễn dịch tự tấn công cơ thể
Một giả thuyết khác là tình trạng hệ miễn dịch "tự tấn công" cơ thể. Theo các nhà khoa học, virus SARS-CoV-2 rất có thể đã tấn công vào các loại tế bào khác nhau trong cơ thể và kích hoạt "phản ứng miễn dịch quá mức". Phản ứng này khiến các tế bào hoạt động sai, sản xuất các kháng thể tấn công nhầm vào các mô của chính cơ thể bệnh nhân thay vì tấn công virus. Cơ chế tự kháng này có thể tồn tại trong cơ thể nhiều tháng sau khi bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19, gây suy đa nội tạng.
Tấn công hệ thần kinh
Virus cũng có thể tấn công hệ thống thần kinh của bệnh nhân, gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào. Các phân tử viêm được giải phóng trở thành chất độc, đặc biệt đối với não, khiến mạng lưới đưa máu đi khắp cơ thể bị tổn thương, gây nên tình trạng đông máu bất thường
Biến đổi các cơ quan và sự trao đổi chất
COVID-19 cũng có thể làm thay đổi sự trao đổi chất của con người, hoặc làm biến đổi các chức năng của các cơ quan. Đã có trường hợp những người phải vật lộn để kiểm soát lượng đường trong máu của họ sau khi xuất hiện bệnh tiểu đường do di chứng của COVID-19.
Cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề sức khỏe COVID kéo dài
Vào thời điểm hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tập trung toàn lực để cứu sinh mạng của người dân trong cuộc chiến chống COVID-19. Tuy nhiên, hiện Tổ chức Y tế Thế giới và giới khoa học đã bắt đầu nghiên cứu về Hội chứng COVID kéo dài, do tác động không nhỏ của nó đối với một bộ phận dân số sau khi khỏi bệnh.
Với những bệnh nhân vẫn mắc Hội chứng COVID kéo dài thì liệu pháp tốt nhất: là tập luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng, sớm hồi phục sức khỏe. Ngoài ra, các nhà khoa học tại Đại học Yale cũng chỉ ra rằng, việc tiêm vaccine COVID-19 có thể giúp giảm thiểu hội chứng COVID kéo dài. Vì thế, để tự bảo vệ mình, hãy tiêm chủng vaccine COVID-19, luyện tập thể dục và tốt nhất là tự bảo vệ mình tránh khỏi dịch bệnh bằng những biện pháp đơn giản nhất như đeo khẩu trang, khử khuẩn, hay giữ khoảng cách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!