Cục diện chiến lược tại Nam Kavkaz sẽ chuyển dịch thế nào sau khi Azerbaijan giành lại Nagorny-Karabakh?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 01/10/2023 11:56 GMT+7

VTV.vn - Quân đội Azerbaijan đã kiểm soát vùng đất Nagorny-Karabakh. Tính đến 30/9, đã có hơn 100 nghìn người Armenia đã rời đi. Tổng dân số khu vực này là khoảng 120 nghìn người.

Nagorny-Karabakh là vùng núi cao nằm tại khu vực chiến lược Nam Kavkaz. Vùng đất được cộng đồng quốc tế xem là thuộc lãnh thổ Azerbaijan nhưng phần lớn cư dân là người sắc tộc Armenia, do quân Armenia ly khai địa phương kiểm soát.

Chiến dịch chống khủng bố do Azerbaijan phát động hôm 19/9, ngừng bắn hôm 20/9, qua 2 vòng đàm phán và diễn biến mới nhất là tuyên bố về việc giải tán toàn bộ cơ quan chính quyền từ ngày 1/1 năm sau, chấm dứt sự tồn tại của Cộng hòa tự xưng Nagorny-Karabakh.

Gần 30 năm tranh chấp và chỉ trong khoảng 10 ngày đã có hàng loạt diễn biến dồn dập, những thay đổi bước ngoặt. Rất nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Cục diện chiến lược tại Nam Kavkaz sẽ chuyển dịch thế nào? Giải quyết sao với các vấn đề nhân đạo khi gần trăm nghìn người đang rời bỏ vùng đất giao tranh, tiến về Armenia?

Chiến dịch quân sự của Azerbaijan tại Nagorny-Karabakh

Ngày 19/9, quân đội Azerbaijan thực hiện "chiến dịch chống khủng bố " tại khu vực ly khai Nagorny-Karabakh, khu vực được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, đa số dân ở đây là người Armenia và thành lập chính quyền riêng với sự hậu thuẫn từ chính quyền Yerevan.

Sau 24 giờ, Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev, khẳng định, Azerbaijan đã khôi phục được chủ quyền tại khu vực Nagorny-Karabakh.

Cục diện chiến lược tại Nam Kavkaz sẽ chuyển dịch thế nào sau khi Azerbaijan giành lại Nagorny-Karabakh? - Ảnh 2.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (Ảnh: AP)

"Chỉ trong một ngày, Azerbaijan đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được đặt ra trong khuôn khổ các biện pháp chống khủng bố tại Nagorny-Karabakh" - Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố.

Sau đó là 2 vòng đàm phán vào ngày 21/9 và ngày 25/9, giữa Azerbaijan và đại diện người Armenia ở khu vực Nagorny-Karabakh về tương lai của khu vực và những người dân tộc Armenia sống ở đó.

Đến thứ Năm tuần này, phe ly khai công bố sắc lệnh do ông Samvel Shahramanyan, lãnh đạo "Cộng hòa Nagorny-Karabakh", ký thông qua, theo đó giải tán toàn bộ các cơ quan chính quyền từ 1/1 năm sau.

Chiến thắng của Azerbaijan đã gây ra một cuộc di cư lớn của người Armenia sống trong khu vực ly khai. Các gia đình người Armenia vội vã di tản khỏi vùng ly khai để sang Armenia. Người lớn, trẻ con, người già chen chúc trên mọi loại phương tiện, họ cứ đi như vậy mà không biết năng lực tiếp nhận của Armenia sẽ như thế nào.

Cục diện chiến lược tại Nam Kavkaz sẽ chuyển dịch thế nào sau khi Azerbaijan giành lại Nagorny-Karabakh? - Ảnh 3.

Người Armenia sống tại Nagorny-Karabakh vội vã di tản khỏi vùng ly khai để sang Armenia (Ảnh: RTE)

Bà Narine Shakaryan - người dân từ Nagorny-Karabakh - chia sẻ: "Chúng tôi đã đi suốt một ngày".

Bà Naira Grigoryan - người dân từ Nagorny-Karabakh - cho biết: "Chúng tôi không biết phải đi đâu bây giờ. Chúng tôi giờ là những người vô gia cư".

Chiến thắng của Azerbaijan đã làm thay đổi cán cân sức mạnh ở vùng Nam Kavkaz, một khu vực đông sắc tộc và nhiều đường ống dầu khí. Cả Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này.

Theo giới phân tích, việc giải thể lực lượng ly khai Nagorny-Karabakh sẽ không đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột lâu dài giữa Baku và Yerevan. Có khá nhiều mâu thuẫn giữa các bên và ở thời điểm này có thể nói đến việc phân định lại biên giới giữa các quốc gia. Và số phận của hành lang Zangezur, có thể kết nối lãnh thổ chính của Azerbaijan với Thổ Nhĩ Kỳ, đang trở nên đặc biệt có liên quan.

Một số chuyên gia lưu ý, việc Moscow chưa bao giờ công nhận nền độc lập của Nagorny-Karabakh và ngay cả một số thỏa thuận với Armenia trong Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) cũng không áp dụng cho tình hình ở Karabakh. Điện Kremly tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình khu vực và lưu ý rằng, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tiếp tục giúp đỡ người dân địa phương. Ở thời điểm này, Nga đặc biệt quan ngại về khía cạnh nhân đạo và việc những người muốn rời khỏi khu vực phải được cung cấp những điều kiện bình thường để di chuyển đến Armenia.

Kêu gọi giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Nagorny-Karabakh

Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nhân đạo tại khu vực Nagorny-Karabakh khi có tới khoảng 90 nghìn người sắc tộc Armenia tại khu vực này đã đến Armenia kể từ khi Azerbaijan triển khai chiến dịch chống khủng bố chớp nhoáng.

Liên hợp quốc cũng cho biết sẽ cử một phái đoàn tới khu vực này lần đầu tiên sau 30 năm nhằm giải quyết các nhu cầu nhân đạo.

Bà Kavita Belani - Đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn tại Armenia - chia sẻ: "Hơn 88.000 người đã lánh nạn sang Armenia, trong đó hơn 63.000 người hiện đã được chính phủ Armenia cho đăng ký. Con số đang tăng lên khi chúng ta đang nói chuyện và nhu cầu cũng thực sự tăng lên".

Cục diện chiến lược tại Nam Kavkaz sẽ chuyển dịch thế nào sau khi Azerbaijan giành lại Nagorny-Karabakh? - Ảnh 4.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric (Ảnh: AP)

Ông Stephane Dujarric - Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc - cho biết: "Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đang kêu gọi bảo vệ dân thường, tôn trọng luật nhân đạo, tị nạn quốc tế, kêu gọi kiềm chế các hành động có thể khiến dân thường phải di dời thêm và đảm bảo an toàn, an ninh, nhân quyền của người dân".

Mỹ cũng cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo và yêu cầu các quan sát viên quốc tế tiếp cận khu vực.

Liên minh châu Âu kêu gọi chính quyền Azerbaijan vạch ra kế hoạch bảo đảm quyền lợi của sắc tộc Armenia ở Nagorny-Karabakh; nhấn mạnh sự cần thiết đảm bảo khả năng tiếp cận của các tổ chức nhân đạo; kêu gọi tăng cường các cuộc đàm phán hòa bình giải quyết xung đột. (R4974) Trước đó, hôm 26/9, dưới sự bảo trợ của EU, đại diện ngoại giao Armenia và Azerbaijan cũng đã có cuộc trao đổi tại Brusels.

Ông Hikmet Hajiyev - Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan - cho biết: "Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí mang tính xây dựng, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình hòa bình Armenia-Azerbaijan. Chúng tôi một lần nữa nhắc lại ý định mạnh mẽ và sự sẵn sàng của Azerbaijan trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự hòa bình khu vực, đặc biệt là hiệp ước hòa bình song phương giữa Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Azerbaijan".

Trong khi đó, Nga khẳng định sẽ theo dõi tình hình, duy trì sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, cung cấp viện trợ nhân đạo, đồng thời tiếp tục đóng góp vào nỗ lực hòa giải, đảm bảo an ninh tại khu vực này.

Cục diện chiến lược tại Nam Kavkaz sẽ chuyển dịch thế nào sau khi Azerbaijan giành lại Nagorny-Karabakh? - Ảnh 5.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: AP)

Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin - cho rằng: "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình, khía cạnh nhân đạo là quan trọng nhất. Lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng tôi tiếp tục hỗ trợ người dân. Mọi người đều đang nhận được sự giúp đỡ".

Trước những diễn biến liên tục của dòng người sắc tộc Armenia lánh nạn khỏi khu vực Nagorny-Karabakh, các nước, tổ chức quốc tế đều kêu gọi giải quyết khủng hoảng nhân đạo, tìm một giải pháp đảm bảo an toàn cho thường dân, coi đây là yêu cầu cấp bách và ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh các bên nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Nga đã giữ vai trò quan trọng đảm bảo an ninh ở khu vực Kavkaz trong rất nhiều năm. Azerbaijan và Armenia đều nằm trong vùng ảnh hưởng không gian hậu Xô Viết suốt 30 năm qua. Hàng chục năm tranh chấp, xung đột giữa hai quốc gia này, Moscow đều giữ vị thế, tiếng nói "phân xử" bất đồng. Mọi việc đã có những dấu hiệu thay đổi, đặc biệt trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, khi ưu tiên nguồn lực dành cho mặt trận Ukraine. Một trong những câu hỏi được đặt ra lúc này là cục diện tại Nam Kavkaz và cả vùng Kavkaz rộng lớn.

Karabakh đang thay đổi sự liên kết địa chính trị ở Nam Kavkaz. Trên thực tế, tình hình ở Nagorny-Karabakh sẽ không gây ra mối đe dọa đặc biệt nào đối với Nga nếu không có sự ủy nhiệm của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Nga trong nhiều năm qua giữ vai trò là nước đảm bảo an ninh ở vùng Kavkaz, nơi từng được coi là "sân sau" của Moscow, trong đó có Azerbaijan và Armenia.

Theo giới phân tích, tình hình ở Karabakh và những động thái mới nhất từ khu vực này đang cho thấy sự quan tâm và nguồn lực quân sự của Moscow giờ đây bị phân tán bởi chiến dịch quân sự ở Ukraine. Điều quan trọng đối với Nga lúc này là việc phân định biên giới giữa Azerbaijan và Armenia cũng như việc Baku và Yerevan ký một thỏa thuận láng giềng tốt đẹp. Sẽ có lợi cho Nga khi đây là một khu vực bình thường, nơi có thể thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng và kết nối hậu cần. Trên thực tế, Nga quan tâm đến việc mở hành lang Zangezur, được coi là một phần của dự án giao thông vận tải Bắc - Nam.

Có không ít lo ngại về chuyển dịch tại Nagorny-Karabakh. Một diễn biến tạo thêm áp lực cho mối quan hệ hai nước láng giềng Azerbaijan và Armenia vốn đã không êm đềm suốt mấy chục năm qua. Vấn đề sẽ còn phát triển tới đâu sẽ vẫn cần những theo dõi tiếp tục. Nhưng ngay lúc này, đã có không ít lo ngại về việc sẽ có những thay đổi đối với sự cân bằng địa chính trị ở Nam Kavkaz - nơi có nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt đi qua, cũng là nơi cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Nagorny-Karabakh

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước