Ngày Thế giới chống lao động trẻ em ra đời với mục đích vận động người dân trên thế giới quan tâm đến vấn đề lao động trẻ em và cùng nhau hành động để xóa bỏ tình trạng này.
Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố năm 2021, có 169 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới. Trong đó, cứ 4 trẻ em (5 - 17 tuổi) thì có hơn 1 trẻ em đang tham gia vào những công việc được coi là có hại cho sức khỏe và sự phát triển của chúng. Các nước châu Phi có tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất, trong khi các nước châu Á và Nam Mỹ dẫn đầu về số lượng.
Nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, thiên tai, buôn bán trẻ em và xung đột nội bộ trong một quốc gia là những yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng lao động trẻ em.
Theo ILC, cứ 4 trẻ em (5 - 17 tuổi) thì có hơn 1 trẻ em đang tham gia vào những công việc được coi là có hại cho sức khỏe và sự phát triển của chúng (Ảnh: iPleaders)
Trong những năm qua, cuộc chiến chống lao động trẻ em đã đạt được những nỗ lực và thành tựu đáng kể. Nhiều công ước quốc tế khác nhau, chẳng hạn như Công ước số 138 về độ tuổi lao động tối thiểu của ILO và Công ước số 182 về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đã được nhiều quốc gia thông qua. Thực trạng đó đã đặt ra các tiêu chuẩn pháp lý cho độ tuổi lao động tối thiểu và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Các chiến dịch và sáng kiến của các tổ chức phi chính phủ, chính phủ và các tổ chức quốc tế đã giúp giảm đáng kể lao động trẻ em ở một số khu vực. Từ năm 2000 đến năm 2016, lao động trẻ em đã giảm 38% trên toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và nghèo đói cùng những bất ổn địa chính trị tại một số quốc gia đã đặt ra những thách thức mới, có khả năng đảo ngược những thành tựu này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!