Cuộc chiến năng lượng giữa EU và Nga sẽ gây ra tác động như thế nào?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 08/05/2022 12:45 GMT+7

VTV.vn - EU đề xuất các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ Nga. Châu Âu tin rằng, đây sẽ là đòn chí mạng nhằm vào nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng.

Giá dầu thế giới tuần này đã tăng thêm 5% sau khi EU đưa ra đề xuất trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ Nga - nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới. Theo giới chuyên gia, đây là một mức tăng khiêm tốn bởi EU mới chỉ đưa ra đề xuất. Còn cần 27 nước thành viên thông qua và châu Âu cũng không cấm vận ngay mà có lộ trình từ nay tới cuối năm.

Quyết định leo thang cuộc chiến năng lượng giữa châu Âu và Nga đang được theo dõi và phân tích để xem ảnh hưởng của diễn biến này sẽ ra sao. Cấm vận năng lượng sẽ là trò chơi thiệt hại cho cả hai phía bởi tẩy chay dầu của Nga là đòn giáng trực tiếp vào "túi tiền" của điện Kremlin nhưng EU cũng sẽ phải chi nhiều hơn để tìm kiếm nguồn hàng thay thế. Và quan trọng hơn là những tác động của lệnh cấm vận dầu mỏ này tới thị trường năng lượng toàn cầu.

4 ngày sau khi đưa ra đề xuất cấm vận dầu với Nga giới chức châu Âu vẫn đang tìm kiếm sự đồng thuận nội bộ bởi có quá nhiều tranh cãi xung quanh đề xuất này. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thừa nhận khó khăn vì không phải tất cả các quốc gia đều ở chung một hoàn cảnh.

Đề xuất cấm hoàn toàn dầu từ Nga của EU

Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von de Leyen đề xuất gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga. Điểm đáng chú ý nhất trong đề xuất này là EU đưa ra lộ trình loại bỏ hoàn toàn nguồn dầu từ Nga. 6 tháng với các sản phẩm dầu thô, còn với các sản phẩm tinh chế là cuối năm nay.

Cuộc chiến năng lượng giữa EU và Nga sẽ gây ra tác động như thế nào? - Ảnh 2.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von de Leyen (Ảnh: AP)

"Hôm nay, chúng tôi đề xuất cấm tất cả dầu mỏ của Nga vào châu Âu. Đây sẽ là lệnh cấm hoàn toàn với toàn bộ dầu mỏ Nga, từ dầu vận chuyển bằng đường biển, qua đường ống, dầu thô và dầu tinh chế" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von de Leyen nhấn mạnh.

Nếu được thông qua, lệnh cấm nhập khẩu dầu lần này sẽ là gói trừng phạt thứ 2 của EU nhằm vào ngành năng lượng của Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Trước đó, hồi tháng 3, EU đã cấm các khoản đầu tư mới của châu Âu vào lĩnh vực năng lượng của Nga, song các nước vẫn có thể mua dầu và khí đốt từ Moscow. Còn với gói trừng phạt mới, việc nhập khẩu dầu từ Nga sẽ bị cấm hoàn toàn.

Đề xuất được các nước hàng đầu EU như Pháp, Đức ủng hộ và kỳ vọng đạt đồng thuận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại trước mắt bởi nhiều nước EU phụ thuộc lớn vào dầu từ Nga.

Hungary là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất đề xuất này do lo ngại lệnh trừng phạt có thể phá hủy an ninh năng lượng của nước này, thậm chí coi đây là một "lằn ranh đỏ".

Cuộc chiến năng lượng giữa EU và Nga sẽ gây ra tác động như thế nào? - Ảnh 3.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (Ảnh: AP)

"Nga hoặc bất kỳ loại dầu nào chỉ có thể đến qua đường ống, trong đó một đầu ở Nga, đầu kia ở Hungary. Chúng tôi không thể chấp nhận một đề xuất bỏ qua điều này. Đề xuất này giống như một quả bom nguyên tử ném xuống nền kinh tế Hungary vậy" - Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết.

Các quốc gia khác không trực tiếp phản đối đề xuất song cho rằng, cần có một lộ trình dài hơn. Như với Slovakia, quốc gia phụ thuộc 100% nguồn cung dầu từ Nga sẽ cần vài năm. CH Czech cho biết sẽ ủng hộ các lệnh trừng phạt bao gồm cả dầu mỏ, song cũng muốn có thêm thời gian để tăng công suất cho các tuyến đường ống thay thế.

Cuộc chiến năng lượng giữa EU và Nga sẽ gây ra tác động như thế nào? - Ảnh 4.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala (Ảnh: AP)

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Czech sẽ được trì hoãn trong 2 - 3 năm và sau đó chắc chắn chúng tôi sẽ sẵn sàng ủng hộ gói trừng phạt này" - Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala cho hay.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết sẽ tổ chức một hội nghị của các Ngoại trưởng EU vào tuần tới nếu các nước thành viên không thể đạt được thỏa thuận liên quan tới lệnh cấm vận dầu từ Nga. Và một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU cũng được dự kiến tổ chức vào cuối tháng này để chính thức thông qua đề xuất nếu đạt đồng thuận.

Bài toán khó trong độc lập năng lượng của EU

Giới chuyên gia kinh tế đã nói về những cú sốc kinh tế nếu EU cấm vận dầu mỏ Nga và đó là cú sốc hai chiều chứ không phải mình phía Nga bị ảnh hưởng. Bởi sau hàng thập kỷ phụ thuộc vào năng lượng của Nga thì giờ đây, nếu cắt nguồn cung, Nga "hắt hơi" thì EU cũng bị "cảm lạnh".

Hiện có khoảng hơn 25% nguồn dầu thô của châu Âu được nhập từ Nga và nhập khoảng hơn 3 triệu thùng dầu từ Nga mỗi ngày. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa các quốc gia. Những nước càng gần Nga, sự phụ thuộc càng nhiều hơn vào mạng lưới cung cấp dầu từ Moscow. Vì thế, lệnh cấm hoàn toàn dầu từ Nga sẽ tác động rất lớn đến hệ thống năng lượng châu Âu trong tương lai.

Cuộc chiến năng lượng giữa EU và Nga sẽ gây ra tác động như thế nào? - Ảnh 5.

Công nhân kiểm tra đường ống tại một trạm nén khí trên đường ống Yamal - Europe (Ảnh: Reuters)

GS. Andrei Belyi, chuyên gia về luật và chính sách năng lượng của Đại học Đông Phần Lan, cho rằng: "Tác động của lệnh cấm vận sẽ được cảm nhận đối với các cảng dầu của Estonia và Latvia nếu lệnh cấm được đưa ra mà không có một giải pháp thay thế rõ ràng".

Để giảm phụ thuộc năng lượng từ Nga, một số quốc gia đã lên các kế hoạch chuyển đổi hoặc tìm nguồn cung thay thế. Nhưng với các nước phụ thuộc lớn, như Slovakia hay Hungary, câu chuyện tìm giải pháp thay thế cũng không hề dễ dàng.

Hiện tại, nguồn dầu từ Saudi Arabia là phù hợp nhất để thay thế nguồn cung dầu từ Nga nhưng chưa thấy Riat có động thái tăng sản lượng khai thác để đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Trong khi đó, nguồn cung từ Iran hay Venezuela cũng vướng phải các lệnh cấm vận quốc tế.

Bà Livia Gallarati, chuyên gia phân tích thị trường dầu thuộc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn Energy Aspects, cho biết: "Bạn đang nói về khả năng thay thế hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga, cả về dòng chảy đường biển và đường ống. Và đây không phải là những vấn đề mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên thị trường".

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi nguồn cung dầu cũng khiến các nước sẽ phải chuyển đổi cả về hạ tầng kỹ thuật đi kèm bởi có nhiều loại dầu thô với đặc tính khác nhau và các nhà máy lọc dầu thường được thiết kế để sử dụng một loại nhất định. Do đó, loại bỏ nguồn cung dầu từ Nga thực sự là một quyết định rất tốn kém. Hungary ước tính có thể cần tới 4 năm và 700 triệu USD để điều chỉnh lại dây chuyền các nhà máy lọc dầu.

Chưa kể đến một thực tế đang hiện hữu là chính người dân châu Âu đã và đang cảm nhận sâu sắc nhất các tác động từ thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga đến cuộc sống. Giá năng lượng tăng vọt và sẽ còn bất ổn khiến lạm phát đang ở mức cao sẽ thêm trầm trọng. Vì thế, đạt được một sự cân bằng giữa hóa đơn năng lượng của người dân với đề xuất cấm dầu tư Nga sẽ cần đến một giải pháp lớn hơn, không chỉ là các giải pháp thay thế tạm thời mà là cả một quá trình chuyển đổi năng lượng rộng lớn của toàn châu Âu - một bài toán khó có thể giải trong một sớm một chiều.

Khó khăn của Nga trước lệnh cấm vận dầu mỏ của EU

Nga tất nhiên là gặp khó. Sản lượng dầu của Nga đang chịu nhiều áp lực khi đóng góp của xuất khẩu dầu vào ngân sách rất lớn. Trước tháng 2 năm nay, doanh thu khí đốt chiếm 13% ngân sách Nga trong khi các mỏ dầu cung cấp 44%. Kể từ đầu những năm 2000, ngành kinh doanh dầu mỏ đã đóng góp 3,5 nghìn tỷ USD vào ngân sách Nga, phần lớn số tiền này đến từ châu Âu, với 53% lượng dầu xuất khẩu của Nga sang EU.

Theo các chuyên gia, yếu tố thời gian lúc này là rất quan trọng. Hiện hầu hết các đường ống xuất khẩu dầu của Nga chạy từ Đông sang Tây. Nếu không có nhu cầu về dầu ở châu Âu, Nga sẽ phải ngừng sản xuất tại một số mỏ. Nếu là việc ngừng cung cấp ngay lập tức thì cú sốc đối với Nga sẽ là đáng kể. Nhưng kế hoạch của EU đưa ra là một khoảng thời gian chuyển tiếp từ 6 - 8 tháng để loại bỏ dần dần dầu Nga, thậm chí với Hungary và Slovakia còn dự kiến dài hơn, thì Nga sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị và có được những người mua mới. Thực tế là Nga có tiềm năng trong vấn đề này.

Moscow đang phải tìm kiếm thị trường mới để thay thế những khách hàng truyền thống ở châu Âu. Các quốc gia mua mới và cả các quốc gia cũ chưa tham gia lệnh trừng phạt chống Nga sẽ cố gắng giành được lợi ích cho mình và mua "vàng đen" Nga với mức chiết khấu lớn.

Bị mất gần một nửa thị trường thế giới, Moscow có thể sẽ phải nhượng bộ. Ví dụ như Ấn Độ đã tận dụng được tình hình và tăng khối lượng mua lên nhiều lần. Nước này có thể sớm trở thành một trong những khách hàng lớn nhất (sau Trung Quốc) đối với dầu Nga. Thực tế thì Nga cũng đã chuyển hướng một phần việc giao hàng bằng tàu chở dầu đến phía Đông. Mặc dù, người tiêu dùng châu Á được cho là khó có khả năng thay thế hoàn toàn người tiêu dùng châu Âu nhưng thay thế một phần là điều chắc chắn. Vấn đề vẫn là thời gian và các thỏa thuận cụ thể về giá cả với từng quốc gia. Giới chuyên gia nhận định, ngay cả sau lệnh cấm vận của châu Âu, giá dầu tăng mạnh có thể giúp Nga thu số tiền lớn từ việc xuất khẩu năng lượng.

Doanh thu năng lượng của Nga vẫn tăng

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Phần Lan, Nga đã thu về được khoảng 62 tỷ Euro từ xuất khẩu dầu, khí đốt và than trong hơn 2 tháng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine, tức là tăng gấp đôi so với điều kiện bình thường. Còn về phía EU, khối này đã phải bỏ ra 44 tỷ Euro để mua khí đốt của Nga trong 2 tháng qua.

Theo tính toán của các nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels (Bỉ), EU vẫn phải trả 450 triệu USD mỗi ngày cho Nga đối với dầu và 400 triệu USD mỗi ngày cho khí đốt tự nhiên.

Ông Georg Zachmann, chuyên gia cao cấp của tổ chức tư vấn Bruegel, cho rằng: "Nếu châu Âu chỉ giảm khối lượng nhập khẩu từ Nga, chúng ta thấy giá dầu trên thị trường toàn cầu tăng lên, giá khí đốt ở châu Âu tăng lên, có cả khả năng xảy ra tình trạng thay thế giữa các loại nhiên liệu, điều đó cá nghĩa là trong ngắn hạn thu nhập của Nga thậm chí tăng lên do lệnh cấm".

Nga vẫn đang là quốc gia cung cấp tới 45% lượng khí đốt sang châu Âu. Một số chuyên gia cho rằng, trong 27 nước châu Âu, Nga có thể ưu tiên xuất khẩu năng lượng cho một số nước, từ đó thẩm thấu sang các nước khác với nhiều cách khác nhau.

Cuộc chiến năng lượng giữa EU và Nga sẽ gây ra tác động như thế nào? - Ảnh 6.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto khẳng định: "Hungary chỉ có thể đồng ý với các biện pháp trừng phạt của EU nếu việc vận chuyển dầu thô thông qua đường ống được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt. Trong trường hợp đó, an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary sẽ được đảm bảo".

Theo chuyên gia Matt Smith của công ty Kpler chuyên theo dõi các tàu chở dầu cho biết, xuất khẩu dầu của Nga lên tới 3,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4, so với 3,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Ngoài ra, theo dữ liệu mới nhất, xuất khẩu dầu thô của Nga đã tăng vọt trong vài tuần đầu tiên của tháng 4 - với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy mua nhiều hơn và phần còn lại của EU khá ổn định.

Tuy vậy, lợi thế về khí đốt của Nga có thể sẽ giảm đi khi đã bắt đầu những tháng hè nóng nực tại châu Âu.

Lựa chọn nào cho châu Âu?

Các ý kiến cứng rắn ủng hộ việc đẩy nhanh cuộc chiến năng lượng với Nga ở châu Âu cho rằng, lệnh cấm vận này sẽ có hiệu lực quá chậm, từ nay tới cuối năm thì Nga sẽ tìm được những khách hàng thay thế EU. Và để cai dòng dầu từ Nga thì EU không chỉ đơn giản là tìm các nhà cung cấp mới mà phải giải quyết tận gốc vấn đề bằng cách cắt giảm tiêu thụ dầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Nội bộ Liên minh châu Âu đang bất đồng xung quanh các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế nhập dầu mỏ và khí đốt từ Nga. Các chuyên gia dự báo, trong ngắn hạn việc cắt giảm mạnh nhập khẩu của đối với dầu mỏ và khí đốt từ Nga là bất khả thi đối với châu Âu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định: "Để thay thế năng lượng từ Nga, chúng tôi phải thay đổi đáng kể các nhà máy lọc dầu của mình và điều này có nghĩa là chi phí hàng trăm tỷ Forint cho Hungary. Và Liên minh châu Âu đang yêu cầu Hungarry chi vài trăm tỷ Forint để thay đổi các nhà máy lọc dầu".

Trong thời gian rất ngắn, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cách nhanh nhất và chắc chắn nhất để giảm sự phụ thuộc là giảm lượng tiêu thụ.

Trong ngắn hạn, châu Âu có thể thay thế nguồn cung dầu thô của Nga như Iraq, Libya và Iran. Trong trung hạn, EU sẽ tính tới các nhà cung ứng như OPEC, Na Uy, Anh, Bắc Mỹ và châu Phi.

Trong dài hạn, khí thiên nhiên hóa lỏng, than đá, và các loại năng lượng tái tạo có thể đóng vai trò là các lựa chọn thay thế cho khí đốt Nga ở châu Âu. Khi cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga, các nước châu Âu có thể phải chuyển hướng sang khí thiên nhiên hóa lỏng, phần lớn đến từ Mỹ, nhưng để tăng sản lượng sẽ phải mất ít nhất vài năm.

Cuộc chiến năng lượng giữa EU và Nga sẽ gây ra tác động như thế nào? - Ảnh 7.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: "Chúng tôi đang trong quá trình tăng tốc xây dựng hạ tầng năng lượng mới. Các nhà ga để đưa khí thiên nhiên hóa lỏng tới Đức, do đó, chúng tôi không còn cần tới khí đốt và đường ống dẫn khí từ Nga nữa. Phải mất một thời gian để xây dựng hạ tầng mới nhưng chúng tôi đang đạt được tiến bộ rất tốt".

Dù gây nhiều tranh cãi nhưng một số chuyên gia dự đoán, EU có thể phải kích hoạt lại các nhà máy điện đốt than cũ. Một số nhà lãnh đạo châu Âu nhận định rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện tại là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Ngoài ra, năng lượng hạt nhân cũng là một khả năng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước