Cuộc đua "giành ghế" Tổng giám đốc WTO - Các nước lớn vào chặng nước rút

Anh Quang-Thứ bảy, ngày 18/07/2020 08:00 GMT+7

Chân dung 8 ứng cử viên cho chức vụ Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (Nguồn: AFP)

VTV.vn - 8 ứng cử viên cho chiếc “ghế nóng” Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới đã hoàn thành chặng đua thứ hai. Ai sẽ có cơ hội đi tiếp phụ thuộc rất nhiều vào các nước lớn.

Tuần qua, từ ngày 15 - 17/7, cả 8 ứng cử viên cho chức vụ Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã hoàn thành các bài thuyết trìn trước đại diện của 164 quốc gia thành viên tại trụ sở của tổ chức này ở Geneva, Thụy Sỹ. Cuộc đua cho chiếc "ghế nóng" có sự tham gia của nhiều ứng viên nữ và ứng viên châu Phi hơn so với quá khứ.

Tất cả các ứng cử viên sẽ có thêm khoảng thời gian từ nay đến ngày 7/9 để vận động thêm các nước bỏ phiếu cho mình. Sau đó Đại hội đồng WTO sẽ bỏ phiếu lựa chọn ứng cử viên sáng giá nhất bằng hình thức đa số phiếu.

Kể từ khi thành lập, WTO đã trải qua 6 nhiệm kỳ Tổng giám đốc, trong đó 3 lần do các quan chức châu Âu đảm nhận. Đại diện của châu Đại Dương, châu Á và Nam Mỹ mỗi khu vực nắm giữ trọng trách này một lần. Cả sáu người từng giữ cương vị cao nhất của WTO đều là nam.

WTO đang "mắc kẹt"

Nhiều ý kiến cho rằng WTO đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi được thành lập do các quy định thương mại toàn cầu ngày càng không chắc chắn và sự phối hợp giữa các nước thành viên lỏng lẻo sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19.

Cựu Phó Tổng Giám đốc WTO Jesus Seade Kuri, ứng cử viên duy nhất của châu Mỹ, cho rằng các phái đoàn đang mất niềm tin lẫn nhau và điều này khiến cho việc đàm phán để giải quyết các vấn đề trở nên khó khăn hơn.

Ông Hamid Mamdouh, ứng cử viên Ai Cập, thậm chí còn "nặng lời" hơn khi cho rằng WTO đang trải qua một "cuộc khủng hoảng mang tính sống còn" và đã mất đi lý tưởng chung về mục đích hoạt động của tổ chức.

Vấn đề lớn nhất được chỉ ra là việc Mỹ, với mong muốn loại Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước đang phát triển, đã ngăn chặn việc bổ nhiệm các trọng tài mới cho hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO và đe dọa sẽ rời khỏi tổ chức này.

Cuộc đua giành ghế Tổng giám đốc WTO - Các nước lớn vào chặng nước rút - Ảnh 1.

Cơ quan phúc thẩm của WTO “đứng giữa ngã ba đường” (Nguồn: Eurobiz)

Hiện Cơ quan phúc thẩm của WTO có bốn thẩm phán nghỉ hưu và hai thẩm phán nữa vừa hết nhiệm kỳ vào ngày 9/12/2019, có nghĩa là sẽ chỉ còn một thẩm phán. Trong khi đó, quy định về tranh chấp thương mại cần tối thiểu ba thẩm phán để duy trì hoạt động. Phải chăng WTO đang "chết lâm sàng"?

Trước tình hình đó, ứng cử viên người Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala, kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc người kế nhiệm không nên rút khỏi tổ chức này và cho rằng có thể cải tổ WTO.

Trong một cuộc họp báo tại Geneva, khi được hỏi về thông điệp đối với Tổng thống Mỹ hiện tại hoặc Tổng thống mới trong tương lai, bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh: "Chắc chắn bây giờ không phải là lúc để rút khỏi WTO. Chúng ta cần một tổ chức có thể thúc đẩy một hệ thống dựa trên các quy tắc. Hãy cố gắng khắc phục những gì cần sửa chữa".

Còn Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee, một trong tám ứng cử viên, thì mang đến khẩu hiệu làm cho WTO trở nên thích đáng hơn, ứng phó tốt hơn và có trách nhiệm hơn. Bà Yoo cho rằng cải cách các chức năng chính của WTO như giải quyết tranh chấp theo cách phù hợp là một chặng đường dài. Nhưng tổ chức đa phương này cần tăng cường những nỗ lực để có thể phản ứng nhanh hơn trước một cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19. Bà cho rằng các nước có xu hướng áp đặt các hạn chế xuất khẩu trong các giai đoạn khủng hoảng như đại dịch COVID-19 nhưng hiện WTO chưa có sự chuẩn bị để ứng phó nhanh trước một tình huống như vậy.

Thương chiến Mỹ - Trung Quốc tác động cuộc đua tranh cử

Cuộc đua giành ghế Tổng giám đốc WTO - Các nước lớn vào chặng nước rút - Ảnh 2.

Căng thẳng Mỹ - Trung lan sang cuộc chạy đua vị trí cao nhất ở WTO (Nguồn: South China Morning Post)

Cũng như các định chế tài chính và thương mại đa phương toàn cầu khác, việc lựa chọn người đứng đầu WTO luôn thể hiện rõ sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước. Giới chuyên gia cho rằng đối với chiếc ghế Tổng Giám đốc WTO, các ứng viên sẽ cần tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu và đây sẽ là nhân tố quyết định.

Tờ Nikkei Asia Review bình luận Trung Quốc sẽ dồn toàn lực để hỗ trợ cho một ứng viên từ khu vực được Bắc Kinh đầu tư mạnh tay thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trung Quốc và các quốc gia châu Phi chia sẻ chung mối quan tâm đối với việc đưa ra các quy tắc thương mại cho những ngành hàng truyền thống như nông nghiệp và thủy hải sản.

Ứng viên nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh, bà Amina Mohamed, từng được khen ngợi vì kỹ năng đàm phán, thuyết phục và xây dựng sự đồng thuận chung. Nếu đắc cử, bà Mohamed sẽ trở thành người phụ nữ và người châu Phi đầu tiên nắm giữ vị trí quan trọng này.

Cuộc đua giành ghế Tổng giám đốc WTO - Các nước lớn vào chặng nước rút - Ảnh 3.

Bà Amina Mohamed, Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Kenya (Nguồn: Liên hợp quốc)

Đáng chú ý là bà Amina Mohamed đến từ Kenya, đất nước nhận được vốn đầu tư "khủng" của Trung Quốc. Thông qua các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và tài nguyên tại Kenya.

Còn với Mỹ hiện có 2 luồng thông tin. Washington nhiều khả năng ủng hộ ông Jesús Seade, người phụ trách khu vực Bắc Mỹ trong Bộ Ngoại giao Mexico và là nhà đàm phán chính của nước này trong quá trình ký kết Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Ông Seade, người từng làm phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), nói với hãng truyền thông Politico rằng ông có thể đề xuất một "cầu nối" liên kết các thành viên WTO.

Cuộc đua giành ghế Tổng giám đốc WTO - Các nước lớn vào chặng nước rút - Ảnh 4.

Ông Jesús Seade, trưởng đoàn đàm phán của Mexico khi thương lượng Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (Nguồn: Dinero en Imagen)

Một ứng cử viên nặng ký khác được cho là cũng được Mỹ nghiêng về là Tim Groser, cựu Bộ trưởng Thương mại New Zealand. Ông Tim Groser cũng là cựu đại sứ New Zealand tại Mỹ. Ông từng bày tỏ quan ngại về sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Ông Groser được kỳ vọng sẽ cải cách chương trình nghị sự của WTO theo hướng có lợi cho Mỹ.

Cuộc đua giành ghế Tổng giám đốc WTO - Các nước lớn vào chặng nước rút - Ảnh 5.

Ông Tim Groser, cựu Bộ trưởng Thương mại New Zealand (Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới)

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nhiều khả năng vị Tổng giám đốc thứ bẩy của WTO có thể là người châu Phi dù WTO không có nguyên tắc xoay vòng giữa các khu vực.

Dự kiến Tổng Giám đốc đương nhiệm Roberto Azevedo sẽ từ chức vào 31/8. Do vậy hơn lúc nào hết, WTO cần phải thúc đẩy càng nhanh càng tốt quá trình lựa chọn người đứng đầu mới trong bối cảnh vòng xoáy cạnh tranh nước lớn ngày càng tăng.

Người đứng đầu mới của WTO sẽ mang những trọng trách là phải hồi sinh các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ, đặt nền tảng cho hội nghị bộ trưởng vào năm 2021 - một trong những sự kiện lớn của WTO - và xoa dịu quan hệ với Washington.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước