Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc phát đi những tín hiệu tích cực

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 20/11/2022 10:35 GMT+7

VTV.vn - Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài hơn dự kiến và đã phát đi những tín hiệu tích cực liên quan đến quản trị cạnh tranh trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden là sự kiện quốc tế nổi bật, thu hút sự quan tâm của thế giới trong tuần qua. Hai nhà lãnh đạo đã biết nhau hơn 1 thập kỷ và đã có cuộc gặp cách đây tròn 10 năm, khi ấy ông Tập Cận Bình là Phó Chủ tịch Trung Quốc, còn ông Joe Biden là Phó Tổng thống Mỹ.

Sau 10 năm, hai nhà lãnh đạo đã gặp lại nhau trên cương vị người đứng đầu hai cường quốc hàng đầu thế giới, với những quyết sách tác động không chỉ quan hệ song phương, mà cả cục diện thế giới.

Thẳng thắn, xây dựng là những gì được mô tả về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới. Mỹ khẳng định không cần phải có một cuộc chiến tranh Lạnh với Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc khẳng định "thành công của Trung Quốc và Mỹ là cơ hội chứ không phải thách thức của nhau". Cả Mỹ và Trung Quốc đều nhất trí tạo một nền tảng mới cho quan hệ song phương, nỗ lực giải quyết các mối quan tâm của hai nước và toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "… Mỹ và Trung Quốc có thể quản lý khác biệt, ngăn chặn cạnh tranh có thể dẫn tới xung đột, tìm cách giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách đòi hỏi sự hợp tác của chúng ta. Điều này rất quan trọng vì lợi ích của hai quốc gia và cộng đồng quốc tế".

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc phát đi những tín hiệu tích cực - Ảnh 1.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc phát đi những tín hiệu tích cực liên quan đến quản trị cạnh tranh trong mối quan hệ hai nước

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Chúng ta nên hợp tác với tất cả các quốc gia để mang lại nhiều hy vọng hơn cho hòa bình thế giới, niềm tin lớn hơn vào sự ổn định toàn cầu và động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển chung".

Kết quả từ cuộc gặp là tiền đề để hai bên tiếp tục duy trì các kênh đối thoại, triển khai các hoạt động trao đổi, hợp tác trong thời gian tới

Ông Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng: "Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là toàn diện, sâu sắc, thẳng thắn, mang tính xây dựng và chiến lược; là hướng dẫn cho tương lai. Hai nguyên thủ đã vạch ra hướng đi và lập kế hoạch cho quan hệ Trung Quốc - Mỹ. Hai bên sẽ duy trì liên lạc thường xuyên, các nhóm ngoại giao sẽ tiếp tục các kênh liên lạc tích cực để triển khai các nội dung đã đạt được trong cuộc gặp".

Ông Craig Kafura - Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu cho biết: "Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về nông nghiệp, an ninh lương thực và khí hậu. Chúng tôi sẽ bắt đầu lại các cuộc đàm phán về các vấn đề kinh tế vĩ mô toàn cầu. Ngoại trưởng của chúng tôi cũng sẽ tới Trung Quốc, vì vậy tôi nghĩ rằng, có một số dấu hiệu đầy hy vọng từ cuộc họp này".

Không chỉ trong phạm vi song phương, ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc, các nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế đều kì vọng về những nỗ lực hợp tác giữa cường quốc để ứng phó các thách thức toàn cầu.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc phát đi những tín hiệu tích cực - Ảnh 2.

Thẳng thắn, xây dựng là những gì được mô tả về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh: "Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc gửi đến thế giới một thông điệp rằng hợp tác quốc tế là quan trọng đối với tất cả chúng ta".

Ông Farhan Haq - Phó phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói: "Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi cuộc thảo luận ở cấp cao nhất giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ để phối hợp đối phó với thách thức do biến đổi khí hậu gây ra".

Dù vẫn còn những bất đồng trong một số hồ sơ cần giải quyết như vấn đề Đài Loan, xung đột tại Ukraine hay vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc bên lề G20 là minh chứng cho thấy thế giới cần tiếp tục các nỗ lực hợp tác, đối thoại vì một tương lai hòa bình, ổn định trên toàn cầu.

Thập kỷ sóng gió trong quan hệ Mỹ - Trung

Cuộc gặp thượng đỉnh tuần qua được nhận định đã đạt được ba "đầu tiên": cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ sau ba năm; cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền; là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước sau khi Trung Quốc và Mỹ hoàn thành các chương trình nghị sự lớn trong nước trong năm nay.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc tuần qua diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương được nhận định đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1979. Sau những tiến triển mang tính đột phá thập niên 70 và giai đoạn vừa hợp tác vừa cạnh tranh tiếp theo đó, quan hệ Mỹ - Trung đã chuyển sang giai đoạn cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt, đặc biệt trong thập kỷ vừa qua. Một dấu mốc mang tính bước ngoặt là việc Trung Quốc vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2010 và được dự báo sẽ sớm giành vị trí nền kinh tế số một thế giới.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc phát đi những tín hiệu tích cực - Ảnh 3.

Thời điểm kinh tế Trung Quốc vượt kinh tế Nhật Bản được xác định là quý 2/2010. Với GDP 5,9 nghìn tỷ USD so với 5,5 nghìn tỷ của Nhật Bản, vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chính thức thuộc về Trung Quốc, sau 4 thập kỷ Nhật Bản giữ ngôi vị này.

Ông Jean-francois Huchet - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc đương đại của Pháp nhận xét: "Trung Quốc hiện đang ở vị trí thuận lợi để duy trì nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới".

Trước đó, GDP của Trung Quốc đã lần lượt vượt qua Pháp và Anh năm 2005, rồi vượt Đức lên vị trí thứ ba thế giới từ năm 2007, và các dự báo liên tiếp được đưa ra về khả năng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Anh, kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với dự báo từ một năm trước.

Đây cũng là giai đoạn đánh dấu những điều chỉnh trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ. Nếu như Chiến lược An ninh Quốc gia tháng 5/2010, thời điểm kinh tế Trung Quốc chưa vượt Nhật Bản, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama xác định Trung Quốc là "đối tác tiềm năng", thì Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2015 đã đề cập nội dung "theo dõi chặt chẽ quá trình hiện đại hóa quân sự và mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Á".

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc bước sang giai đoạn mới gay gắt hơn dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, trải rộng trên các lĩnh vực, từ kinh tế - thương mại, công nghệ, đến ngoại giao, quân sự...

Đáp lại chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025", Mỹ quyết tâm củng cố vị thế cường quốc công nghiệp số 1 thế giới bằng Chương trình "Sản xuất tại Mỹ", tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ, tăng cường kiểm soát việc Trung Quốc mua lại doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn của Mỹ, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ năm 2017 nhắc đến Trung Quốc 35 lần, và lần đầu tiên, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump định vị Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược". Năm 2018, thế giới đã chứng kiến các màn áp thuế đáp trả nhau lên tới hàng trăm tỷ USD giữa Mỹ và Trung Quốc. Về quốc phòng, cựu Tổng thống Trump đã thông qua mức tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất trong hơn một thế kỷ trở lại đây với con số hơn 2 nghìn tỷ USD chỉ trong ba năm từ 2018-2020.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc phát đi những tín hiệu tích cực - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Joe Biden coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới nhất vừa được công bố tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất, đồng thời khẳng định thế giới đang ở một thời điểm bước ngoặt và thập kỷ tới sẽ là một thập kỷ mang tính quyết định.

Nhìn lại những dấu mốc đáng chú ý trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, đã có những thay đổi lớn trong tương quan sức mạnh kinh tế giữa hai nước. Từ chỗ GDP của Mỹ gấp 15 lần Trung Quốc khi Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa cách đây hơn 40 năm, đến thời điểm Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới năm 2010, khoảng cách chỉ còn là gấp 2,5 lần, và theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, năm 2021, quy mô kinh tế Mỹ chỉ còn nhỉnh hơn kinh tế Trung Quốc chưa đến 30% (22,3 nghìn tỷ USD so với 17,7 nghìn tỷ).

Trong năm 2022 này, ngay trước thềm cuộc gặp tuần qua, hai nước đều vừa hoàn thành các chương trình nghị sự quan trọng trong nước, tại Trung Quốc là Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn tại Mỹ là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Với một mối quan hệ đan xen những lợi ích chiến lược và đang đối mặt những thách thức chưa từng có, việc quản trị cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng nhằm tránh những tính toán sai lầm và thế đối đầu nguy hiểm. Cuộc gặp thượng đỉnh tuần qua được kỳ vọng là một bước đi tích cực để tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ. Hiện hai bên đang bắt tay ngay vào việc xúc tiến các cuộc tiếp xúc tiếp theo nhằm triển khai các nhận thức chung đạt được tuần qua. Trước mắt sẽ là chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, dự kiến diễn ra ngay đầu năm sau.

Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Indonesia Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Indonesia

VTV.vn - Nhà Trắng xác nhận, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia vào đầu tuần sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước