Bắt đầu từ tuần này, những ứng viên đăng ký ứng cử vị trí Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2017 - 2021, sẽ được các nước thành viên chất vấn tại Đại hội đồng, theo Nghị quyết của Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng 9/2015. Đây là điểm mới trong quy trình bầu chọn so với thông lệ của Liên Hợp Quốc, vốn cho phép Hội đồng Bảo an tiến cử người được chọn làm Tổng Thư ký để Đại hội đồng thông qua.
Đánh giá về điểm mới này, tờ Bưu điện Jakarta (Jakarta Post) trích lời Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Mogens Lykketoft cho rằng, điều này có thể tạo ra bước ngoặt lớn vì nó sẽ ít nhiều tác động lên quyết định về nhân sự từ phía Hội đồng Bảo an. Cùng với đó là một sự minh bạch và cởi mở hơn trong quy trình chọn ra Tổng Thư ký mới của Liên Hợp Quốc.
Nghị quyết của Liên Hợp Quốc hồi năm 2015 kêu gọi, bên cạnh những yêu cầu cao về chuyên môn, cần phải có sự cân bằng về mặt giới tính và gốc gác địa lý của các ứng viên cho vị trí Tổng Thư ký. Tờ Haaretz của Israel cho biết, hiện, đã có 8 ứng viên tuyên bố tham gia ứng cử, bao gồm: 6 ứng viên là người Đông Âu, 1 ứng viên là người Bồ Đào Nha và 1 ứng viên mang quốc tịch New Zealand. Trong số 8 ứng viên này, có đến 4 người là nữ.
Tại khu vực Đông Âu, một số ứng viên nổi bật là bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO và là cựu Ngoại trưởng Bulgaria, bà Vesna Pusic - cựu Ngoại trưởng Croatia hay ông Danilo Turk - cựu Tổng thống Slovenia.
Bình đẳng giới là một vấn đề được Liên Hợp Quốc quan tâm từ lâu và nhiều nước thành viên thời gian qua đã kêu gọi cần phải có một nữ Tổng thư ký đầu tiên. Trong đó, cựu Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic - 1 trong 4 ứng viên nữ ở thời điểm hiện tại - cam kết sẽ thúc đẩy bình đẳng giới ở các cơ quan chính trị, cũng như tại Liên Hợp Quốc.
Ứng cử viên thu hút được nhiều sự chú ý nhất hiện là cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark. Từng đứng đầu Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), bà Clark được Thủ tướng New Zealand John Key đánh giá là người có đủ năng lực và kinh nghiệm cho vị trí Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Bản thân bà cũng cam kết sẽ tận dụng các công cụ của Liên Hợp Quốc để xây dựng một xã hội hòa bình và toàn diện hơn. Tuy nhiên, theo tờ Bloomberg, bà Clark sẽ phải đối mặt với một cuộc đua hết sức khó khăn, trong bối cảnh có một số chính trị gia như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd được cho có thể sẽ tham gia ứng cử trong thời gian tới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.