Đại dịch bóc trần mâu thuẫn trong lòng châu Âu

Vân Ánh-Thứ ba, ngày 30/03/2021 15:09 GMT+7

VTV.vn - Đáng lo ngại hơn, những mâu thuẫn này sẽ để lại hậu quả lâu dài cho không chỉ các nước châu Âu mà cả Liên minh châu Âu (EU).

Châu Âu đã bị đại dịch COVID-19 đổ bộ một cách đường đột và cấp tập ngay từ đầu. Đối với một khối như EU - nơi mà sự thịnh vượng dựa vào hợp tác chính trị, chuỗi cung ứng liền mạch và đường biên giới mở - một cuộc khủng hoảng khiến các quốc gia quay ra chống lại lẫn nhau là một thách thức chưa từng có.

Đại dịch làm trầm trọng những mối mâu thuẫn đã tồn tại giữa các quốc gia châu Âu trong nhiều thập kỷ. Các quốc gia đã chĩa mũi dùi vào nhau khi tranh giành trang thiết bị bảo hộ và vaccine, trong khi chê trách nhau về các biện pháp chống dịch.

Đầu đại dịch, cùng trong một liên minh tự do đi lại nhưng các quốc gia EU đã đóng cửa biên giới vì thiếu tin tưởng rằng các nước láng giềng của họ có đủ khả năng kiểm soát dịch.

Sau đó là những tranh cãi gay gắt về cách hỗ trợ phục hồi kinh tế. Các nước thành viên giàu có hơn ở phía bắc không muốn hỗ trợ nhiều cho các nước ở phía nam, vì cho là các nước này thiếu trách nhiệm về tài chính.

Gần đây nhất, các quốc gia EU đã thất bại trong việc triển khai vaccine trong toàn khối.

Một ví dụ: Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã cáo buộc có tình trạng phân phối vaccine không công bằng. Ông chỉ ra rằng các quốc gia như Malta và Đan Mạch đã nhận được nhiều liều vaccine tính trên đầu người hơn Áo. Các quan chức Malta và đại diện của Ủy ban châu Âu thì suy đoán rằng Áo đang tụt lại phía sau chẳng qua là vì nước này từ chối chấp nhận toàn bộ lượng vaccine do EU mua.

Đây là mặt trái của chính trị. cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cho biết: "Mọi nguyên thủ quốc gia hay chính phủ đều hiểu tình hình. Họ đều chịu áp lực phải chứng tỏ với người dân trong nước là họ đang làm tốt công việc của mình".

Song, những căng thẳng chính giữa các nước thực ra đã có từ lâu và có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự thống nhất của EU.

Ông Neale Richmond, người từng đại diện cho Ireland tại EU, nói: "Đại dịch chắc chắn đã làm cho những căng thẳng vốn có trở nên rõ ràng hơn. Ngoại giao thông thường không thể có được trong một cuộc gọi video, chứ chưa nói đến việc dùng các cuộc gọi video để cố gắng xử lý đại dịch lớn nhất trong vòng một thế kỷ đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và tàn phá các nền kinh tế".

Chủ nghĩa dân tộc vaccine có thể phản tác dụng

Đại dịch bóc trần mâu thuẫn trong lòng châu Âu - Ảnh 1.

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels, Bi, ngày 25/3/2021 (Ảnh: CNN)

Sự tức giận là có thật, nhằm vào Ủy ban châu Âu và một số quốc gia thành viên, thậm chí nhằm cả vào Anh - nước vừa mới rời EU, bởi Anh đang dẫn trước EU trong vận hành chương trình tiêm phòng.

Sự tức giận nhắm vào Ủy ban châu Âu chủ yếu là do đã đề xuất kiểm soát xuất khẩu vaccine. Ủy ban châu Âu cho rằng EU chỉ nên xuất khẩu lượng vaccine được sản xuất trong khối sang các quốc gia đang xuất khẩu vaccine vào EU.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng động thái này là một nỗ lực không khoan nhượng nhằm làm rõ quan điểm của EU rằng Anh và hãng dược AstraZeneca đang giữ vaccine lại mà không giao hàng cho EU.

Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc vaccine có thể phản tác dụng.

Ông Mohammed Chahim, nghị sỹ đại diện cho Hà Lan tại Nghị viện châu Âu, cho biết: "Chủ nghĩa dân tộc vaccine hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Vấn đề của ‘trò chơi chính trị có tổng bằng không’ là luôn có kẻ thua cuộc và trong trường hợp này, thua cuộc đồng nghĩa với nhiều sinh mạng bị mất đi hơn cho kẻ thua cuộc". Ông nói thêm rằng, việc tập trung duy nhất vào việc tiêm phòng cho người châu Âu sẽ không ngăn được virus lây lan và đột biến ở những nơi khác. 

"Không thể tránh khỏi việc các chủng virus mới sẽ quay trở lại đất nước của chúng ta và chúng ta lại trở lại điểm xuất phát".

Sự tức giận giữa các quốc gia thành viên EU còn phức tạp hơn. Các nhà ngoại giao đại diện cho các quốc gia thành viên thậm chí không thể thống nhất được với nhau là đang bất đồng về cái gì. Các nhà ngoại giao của các nước Tây Âu nói rằng không có bất đồng nào cả và những người nói có bất đồng thì chỉ biết nhìn những thứ tiêu cực thôi. Còn người dân Trung và Đông Âu lại cảm thấy họ đang bị trừng phạt vì đã tỏ ra thận trọng, không mù quáng chấp nhận mua hết phần vaccine mà EU phân bổ cho bởi không biết liệu nước họ có năng lực dự trữ không.

Các thành viên của nhóm "Bộ tứ căn cơ" (bao gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển) tin rằng các quốc gia Nam Âu đã ra vẻ nạn nhân khiến các quốc gia hành động có trách nhiệm bị đẩy sang phía sai. Còn các nhà ngoại giao đại diện cho các nước Nam Âu thì nói rằng châm biếm quốc gia của họ có nghĩa là họ đã bị những nước khác đối xử như những đứa trẻ vô trách nhiệm, những người không thể tin cậy được và sẽ phung phí bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào được gửi đến từ các nước láng giềng giàu có hơn.

Mặc dù những điều này liên quan rất ít đến việc xử lý đại dịch trên thực tế nhưng khi trao đổi không chính thức với quan chức các nước EU, người ta có thể cảm nhận cảm xúc của họ đúng là sâu sắc và rõ ràng như vậy.

Sự tức giận của các nước châu Âu nhắm vào Anh thì dễ hiểu hơn một chút. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã không ngại ngần tuyên bố rằng việc triển khai vaccine thành công ở Anh sẽ không thể thực hiện được nếu không có Brexit. Thông điệp này làm người EU sôi máu vì nó không đúng sự thật nhưng lại dễ tin.

Đại dịch bóc trần mâu thuẫn trong lòng châu Âu - Ảnh 2.

Cuộc "ly dị" dằng dai, đau đớn giữa EU và Anh kể cả sau khi mọi thủ tục đã xong (Ảnh: Corporate Europe Observatory)

Mặc dù có thể lập luận rằng Brexit đã truyền cảm hứng cho một cách suy nghĩ độc lập với EU, nhưng không có quy tắc cụ thể nào cấm Anh hành động đúng như những gì họ đang làm nếu Anh vẫn còn là một quốc gia thành viên EU.

Ông Neale Richmond nêu rõ: "Việc cho rằng Anh đang triển khai vaccine rất nhanh trong khi EU đang vấp phải hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác là rất vô ích. Mặc dù không ai tin rằng một quốc gia thành viên sẽ rời bỏ EU do cách khối này xử lý đại dịch hoặc khối sẽ tan rã, nhưng thực tế hậu Brexit là tất cả các cuộc khủng hoảng đều tự động được liên kết với những cái cớ mà Anh đã tạo ra để rời khỏi EU".

Những người châu Âu không muốn phân tích chi ly thì vẫn tin rằng châu Âu cuối cùng sẽ cười Anh thôi. Một nhà ngoại giao cấp cao EU nói với đài CNN: "Bạn có thể cảm thấy rất hạnh phúc trên hòn đảo nhỏ của mình khi tất cả người dân của bạn được tiêm phòng, nhưng hòn đảo của bạn có thể sẽ cảm thấy rất nhỏ khi bạn không thể rời khỏi nó vì những người hàng xóm của bạn không được tiêm phòng".

EU sẽ vượt qua như thế nào?

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi châu Âu là mảnh đất chứa nhiều sự giận dữ vào lúc này. Từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đến Brexit rồi đến một đại dịch chết người, châu Âu đã trải qua một thập kỷ khó khăn.

Đại dịch đã tạo cơ sở cho một số cuộc thảo luận lớn về tương lai của EU, đặc biệt là liên quan đến việc Ủy ban châu Âu đảm nhận nhiều quyền lực tập trung hơn.

Ông Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho biết: "Đại dịch ở châu Âu có thể được nhìn nhận thông qua những thất bại của Ủy ban châu Âu về chính sách y tế và những thành công của Ủy ban này về chính sách kinh tế. Cảm nhận của tôi là Ủy ban châu Âu sẽ khó nói rằng những thất bại về y tế của họ cho thấy họ nên kiểm soát nhiều hơn chính sách y tế của châu Âu. Tuy nhiên, nếu quỹ phục hồi COVID-19 dẫn đến cải cách nghiêm túc thì đó có thể là chất xúc tác cho các nước EU hội nhập với nhau hơn nữa".

Như tầm nhìn ban đầu, EU, ở cấp độ Ủy ban châu Âu, được cho là không chịu sự chi phối của tình hình chính trị ở các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu lo ngại rằng "con ngựa từ lâu đã lồng lên", để các quyết định của EU phụ thuộc vào ý tưởng chính trị của các quốc gia mạnh nhất trong khối. Nếu cơn giận dữ của các nước thành viên không tan biến sau đại dịch, nó có thể tạo ra một động lực độc hại cản trở sự hội nhập chặt chẽ hơn và đoàn kết hơn trong EU.

EU hoàn toàn không phải đang bị đe dọa. Nhưng để vượt qua những năm tháng đau đớn mà khối đang trải qua thì cần phải tìm tận gốc và chữa lành những vết thương đã dẫn đến sự phẫn uất và tức giận sâu sắc trong Liên minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước