Đằng sau "cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin" tại Nigeria

Trang Phan-Thứ ba, ngày 09/03/2021 06:00 GMT+7

Nhức nhối nạn bắt cóc tại Nigeria. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Nạn bắt cóc thường xuyên xảy ra tại Nigeria. Vấn nạn này đã trở nên đáng lo ngại đến mức báo chí gọi nó là "đại dịch" hay "cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin" ở nước này.

Nhức nhối "đại dịch" bắt cóc tại Nigeria

Ngày 26/2/2021, 279 nữ sinh tại trường học ở bang Zamfara, Tây Bắc Nigeria, đã bị bắt cóc. Theo đó, một nhóm tay súng đã đột kích trường học ở thị trấn Jangebe, sau đó dồn hàng trăm nữ sinh lên nhiều xe tải rồi đưa đi. Trước đó, đoàn xe của phiến quân đã tấn công một chốt quân sự gần đó, làm một số binh sĩ bị thương và chặn đường tiếp cận ngôi trường của lực lượng an ninh. Đây là vụ bắt cóc thứ ba xảy ra ở miền Bắc Nigeria chỉ trong vòng hơn một tuần.

Đằng sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Nigeria - Ảnh 1.

Trường học nơi xảy ra vụ bắt cóc 279 nữ sinh tại ở bang Zamfara, miền Tây Bắc Nigeria. (Ảnh: DW)

Đằng sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Nigeria - Ảnh 2.

Những nữ sinh bị bắt cóc tại bang Zamfara, Nigeria được trả tự do. (Ảnh: Reuters)

Trước đó vào ngày 14/2/2021, các tay súng đã bắt cóc 58 hành khách trên một xe buýt đang trên đường từ thị trấn Kontagora tới Minna ở phía Tây Bắc Nigeria. Các trẻ nhỏ trên xe đã được trả tự do sau khi những kẻ bắt cóc nhận được tiền chuộc.

Ngày 19/2/2021, các tay súng được cho là thuộc một băng nhóm tội phạm đã bắt cóc hàng trăm nam sinh cùng một số giáo viên tại ký túc xá của trường cao đẳng ở thị trấn Kagara, bang Niger. Theo hãng tin BBC (Anh), các tay súng mặc quân phục giả làm binh sĩ chính phủ, sau đó tấn công ngôi trường nói trên, đưa các sinh viên mà chúng bắt cóc vào một khu rừng gần đó. Truyền thông Nigeria cho biết, lực lượng an ninh đã phát hiện ra khu vực mà các đối tượng bắt cóc đưa sinh viên tới và lần theo dấu vết.

Ngày 11/12/2020, phiến quân Boko Haram đã thực hiện một vụ tấn công vào Trường trung học Khoa học thuộc chính phủ (GSSS) tại Kankara, bang Katsina phía Tây Bắc Nigeria và bắt cóc ít nhất 333 học sinh. Sau đó, ngày 17/12/2020, chính phủ Nigeria đã giải cứu được những học sinh trong vụ bắt cóc trên.

Tháng 8/2020, 7 học sinh và 1 cô giáo của một trường cấp hai ở bang Kaduna cũng đã bị bắt cóc nhằm đòi tiền chuộc. Các con tin sau đó được trả tự do nhưng không rõ số tiền chuộc là bao nhiêu...

Có thể thấy, tình trạng bắt cóc đã diễn ra trong một thời gian dài ở Nigeria và nhóm khủng bố Boko Haram được xem là chủ mưu thực hiện nhiều vụ tấn công trường học và bắt cóc học sinh ở nước này. Trong đó điển hình nhất là vụ bắt cóc 276 nữ sinh ở thị trấn Chibok thuộc bang Borno, vùng Đông Bắc Nigeria hồi năm 2014.

Đằng sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Nigeria - Ảnh 3.

Người dân Nigeria biểu tình ngày 11/5/2014, yêu cầu trả tự do cho hàng trăm nữ sinh Chibok bị bắt cóc. (Ảnh: Reuters)

Phải đến 2 năm sau đó, năm 2016, 20 nữ sinh mới được trả tự do nhờ nỗ lực của Hội Chữ thập đỏ. Một số khác trốn thoát hoặc được giải cứu. Tuy nhiên khi đó vẫn còn ít nhất gần 200 em còn bị giam giữ. Năm 2017, Boko Haram trả tự do cho ít nhất 80 nữ sinh. Sau đó, toàn bộ số nữ sinh Chibok còn lại đã được về nhà sau khi Chính phủ Nigeria đồng ý phóng thích các phiến quân Boko Haram bị giam giữ.

Ngoài những vụ bắt cóc học sinh, những kẻ tấn công còn thường tổ chức bắt cóc tống tiền nhằm vào các tầng lớp người dân, ở mọi đối tượng, độ tuổi. Thậm chí, nhiều vụ việc ghi nhận các con tin là người lao động nước ngoài, người di cư và có nạn nhân đã bị giết hại...

Những đối tượng nằm trong "tầm ngắm"

Trong lịch sử, mục tiêu bắt cóc thường là những người giàu có và có địa vị cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, "tầm ngắm" của những kẻ bắt cóc đã chuyển sang các tài xế ô tô, học sinh tại các trường nội trú, người dân ở các vùng bạo động và bạo lực của đất nước.

Bắt cóc được cho là nằm trong số các thách thức an ninh to lớn nhất của Nigeria. Đây cũng là chiều hướng tội phạm khó xác định nhất ở nước này. Bởi nạn bắt cóc ở đây diễn ra theo các cách thức khác nhau và do nhiều nhóm vũ trang thực hiện: Từ bắt cóc để đòi tiền chuộc, bắt cóc để làm con tin bởi những kẻ khủng bố, kẻ cướp và bắt cóc trẻ em để thực hiện mục đích đào tạo lính trẻ em, buôn bán trẻ em và lao động trẻ em.

Chiều hướng bắt cóc tống tiền gia tăng

Dù các nhà chức trách Nigeria khẳng định rằng không có khoản tiền chuộc nào được trả để cứu những người bị bắt cóc, hãng tin BBC trích một số nguồn tin cho thấy khoản tiền này lên tới hàng triệu USD. Tỷ lệ bắt cóc đòi tiền chuộc ở Nigeria đã tăng trong những năm gần đây. Những vụ việc như vậy đã trở nên thường xuyên hơn và sinh lợi nhiều hơn ở Nigeria. Đây là lý do những kẻ bắt cóc đang nhắm mục tiêu nhiều hơn tới những học sinh, sinh viên ở trường học – những mầm non tương lai của đất nước, niềm hy vọng của các gia đình.

Đằng sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Nigeria - Ảnh 4.

Những kẻ bắt cóc tại Nigeria đang nhắm mục tiêu nhiều hơn tới những học sinh, sinh viên ở trường học. (Ảnh: The Jakarta Post)

Việc trả tiền chuộc sẽ cung cấp cho các nhóm tội phạm kinh phí để có thêm vũ khí và các vật chất hậu cần, nhằm mở rộng hoạt động khủng bố trong nước. Công ty SB Morgen, một công ty tư vấn của Nigeria, đã tính ra rằng: 11 triệu USD tiền chuộc đã được trả cho các nhóm bắt cóc trong khoảng thời gian từ năm 2016-2020.

Đến trường trở thành nỗi ám ảnh đối với trẻ em Nigeria

Làn sóng bắt cóc tống tiền không chỉ là một vấn đề an ninh, mà còn cản trở việc tới trường của trẻ em ở Nigeria. Hôm 21/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nigeria, Mallam Adamu Adamu, công bố rằng: Số trẻ em không được đến trường đã giảm từ 10,1 triệu xuống còn hơn 6,9 triệu vào năm 2020. Đây là kết quả từ nỗ lực của chính phủ Nigeria nhằm giảm tình trạng thất học ở nước này. Thế nhưng cũng theo ông, nạn bắt cóc trường học, nếu còn tiếp diễn, chắc chắn sẽ tước đi những thành quả đó.

Đằng sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Nigeria - Ảnh 5.

Chính quyền các bang ở những khu vực dễ bị các tay súng uy hiếp thường phải cho ngừng hoạt động của các trường nội trú. (Ảnh: Reuters)

Bởi lẽ, nạn bắt cóc ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và phụ huynh, khiến họ không dám cho con em tới trường. Bên cạnh đó, chính quyền các bang ở những khu vực dễ bị các tay súng tấn công cũng thường phải cho ngừng hoạt động của các trường học.

Cuộc chiến giữa ngành giáo dục và nạn bắt cóc ở Nigeria đang buộc chính phủ phải đưa ra các giải pháp linh hoạt hơn để đảm bảo trẻ em nước này tiếp tục đi học mà vẫn được đảm bảo an toàn.

Bài toán khó chưa có lời giải của giới chức Nigeria

Những vụ bắt cóc diễn ra liên tục, trong nhiều năm, cho thấy, Nigeria vẫn đang lúng túng trước sự lộng hành của các nhóm phiến quân, khủng bố. Theo nhận định của BBC, giới chức Nigeria chưa đủ năng lực quân sự để trấn áp sự nổi dậy của phiến quân.

Đằng sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Nigeria - Ảnh 6.

Theo BBC, giới chức Nigeria chưa đủ năng lực quân sự để trấn áp sự nổi dậy của phiến quân. (Ảnh: Reuters)

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nigeria, ông Bashir Magashi đã phải gửi thông điệp kêu gọi người dân nước này tự bảo vệ bản thân trước các cuộc tấn công, bắt cóc của phiến quân: "Hãy tự bảo vệ bản thân và không được run sợ". Ngoài ra, Chính phủ Nigeria cũng đã đưa ra một số biện pháp ngăn chặn bạo lực như cấm mua bán súng đạn, trang bị thêm vũ khí cho lực lượng cảnh sát và quân đội… Tuy nhiên, việc đối phó những nhóm khủng bố như Boko Haram gần như vẫn bất khả thi.

Giới chuyên gia cho rằng, giải pháp phù hợp nhất hiện nay là các cơ quan an ninh của Nigeria cần nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước khỏi các phần tử tội phạm, đầu tư nhiều hơn cho công tác huấn luyện binh sĩ, cảnh sát và thúc đẩy năng lực tự phòng vệ của người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước