Bloomberg, Reuters, CNET, The Verge cùng hàng loạt trang tin lớn cho biết, mạng xã hội hàng đầu thế giới Facebook dự kiến sẽ đổi tên từ tuần tới. Theo kế hoạch, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg sẽ thảo luận việc đổi tên tại hội nghị kết nối thường niên của Facebook vào ngày 28/10. Tuy nhiên, việc công bố tên mới thay cho tên "Facebook" có thể sẽ được thông báo sớm hơn.
Việc đổi tên sẽ đặt ứng dụng mạng xã hội bên cạnh những sản phẩm hiện nay của công ty mẹ như Instagram, WhatsApp, Oculus. Facebook từ chối bình luận về thông tin đổi tên nói trên.
Facebook đổi tên để hướng tới bước phát triển mới?
Các đồn đoán về việc đổi tên của Facebook diễn ra giữa bối cảnh hoạt động kinh doanh của mạng xã hội này đang ngày càng chịu nhiều sự giám sát của Chính phủ Mỹ. Các nhà lập pháp của lưỡng đảng đều đã lên tiếng chỉ trích mạng xã hội này, dấu hiệu cho thấy sự không hài lòng đối với Facebook đang gia tăng trong Quốc hội Mỹ.
Một góc trong văn phòng Facebook tại San Jose, California, Mỹ (Ảnh: AP)
Hãng tin Reuters trích ý kiến của Marisa Mulvihill, nhà phân tích công ty tư vấn xây dựng thương hiệu Prophet, cho biết, đổi tên là bước đi hiệu quả để các thương hiệu con hạn chế tai tiếng liên đới của công ty mẹ. Cụ thể hơn, việc đổi tên có thể giúp các thương hiệu con như WhatsApp hoặc Oculus tránh những rắc rối hoặc ác cảm của người dùng liên quan đến những tai tiếng của Facebook. Theo thống kê của Prophet, mức độ quan tâm của người dùng Mỹ đối với các thương hiệu liên quan đến Facebook đang giảm sút nhanh chóng trong vài năm qua.
Facebook đổi tên có thể tác động tích cực đến các ứng dụng con như WhatsApp hay Oculus (Ảnh: CNET)
Reuters cũng so sánh động thái của Facebook với sự kiện hãng thuốc lá Philip Morris đổi tên hồi năm 2003. Khi đó Philip Morris đổi tên thành Altria sau khi được mua bởi công ty thực phẩm Kraft Foods. Việc đổi tên không làm giảm suy nghĩ tiêu cực về thuốc lá của người tiêu dùng, nhưng giúp hạn chế ảnh hưởng đến Kraft.
Facebook không phải là công ty công nghệ đầu tiên đổi tên. Năm 2015, Google đã tái tổ chức lại toàn bộ tập đoàn để tạo ra một công ty mẹ có tên Alphabet. Google muốn cho thấy công ty không chỉ là một công cụ tìm kiếm mà còn hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác như chế tạo ôtô không người lái Waymo và sản xuất thiết bị y tế...
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không có gì lạ tại Thung lũng Silicon khi các công ty đổi tên trong nỗ lực mở rộng các dịch vụ của mình.
Facebook có thể đổi tên thành… Horizon
Trang tin công nghệ The Verge dự đoán cái tên mới của Facebook có thể liên quan đến Horizon, một sản phẩm mạng xã hội đã được tập đoàn này thử nghiệm năm 2020. Horizon được coi là một thế giới mở nơi người dùng tương tác với nhau qua các avatar, những nhân vật được tạo nên tương tự như trong trò chơi the Sim kinh điển. Các nhân vật có thể gặp gỡ, chơi trò chơi và xây dựng cuộc sống riêng. Mạng xã hội này hỗ trợ hai thiết bị thực tế ảo của Facebook là Oculus Quest và Oculus Rift.
Mạng xã hội Horizon có thiết kế như trò chơi điện tử nhập vai (Ảnh: Horizon VR)
Phân tích trên trang công nghệ Tech Crunch, việc đổi tên liên quan đến Horizon có thể là bước đi quan trọng để Facebook hiện thực hóa kế hoạch phát triển vũ trụ số metaverse. Hôm 18/10, Facebook thông báo kế hoạch tuyển dụng tới 10.000 lao động tại Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng "metaverse", một phiên bản thực tế ảo của mạng Internet mà Facebook rất kỳ vọng sẽ là sản phẩm mang tính đột phá trong tương lai.
Avatar của Mark Zuckerberg trong ứng dụng họp trực tuyến Horizon Workrooms (Ảnh Horizon VR)
Nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg hé lộ metaverse sẽ hiển thị chất lượng hình ảnh độ nét cao. Tuy được gọi là mạng internet ảo nhưng lại giúp xóa nhòa đáng kể ranh giới giữa thế giới thực và thế giới số. Công nghệ cho phép những người đeo kính thực tế ảo có thể dạo chơi, kết bạn, mua bán, tham dự sự kiện với cảm giác như thật. Chẳng hạn, một số ca sĩ nổi tiếng đã biểu diễn trước vô số khán giả theo dõi tại nhà qua nền tảng Fortnite. Người dùng có thể xin được việc làm trên nền tảng trực tuyến Decentraland, kiếm thu nhập và giao dịch qua những đồng tiền số.
Facebook rất kỳ vọng vào công nghệ thực tế ảo (Ảnh: The Verge)
Thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường được xem là chìa khóa để Facebook thống trị kỷ nguyên công nghệ trong 10 năm kế tiếp. Đó là lý do hãng đưa ra những ý tưởng đi trước rất xa so với đối thủ, chẳng hạn cách người dùng trải nghiệm và suy nghĩ trên môi trường thực tế ảo. Facebook từ lâu đã muốn biến mạng xã hội của mình thành một thế giới ảo, nơi mà bạn và bạn bè có thể gặp gỡ nhau, trò chuyện hay tương tác như ngoài đời thực.
Dư luận tỏ ra kém mặn mà với Facebook
Sau khi có thông tin là Facebook chuẩn bị đổi sang một tên gọi mới, hãng tin Reuters đã đi hỏi ý kiến người dân ở nhiều nơi trên thế giới xem họ gợi ý cái tên mới nào cho Facebook. Nhiều gợi ý khá bất ngờ và mang ý chỉ trích được đưa ra như hãy gọi tên mới của Facebook là "Ứng dụng của người già", phản ánh thực tế là giới trẻ nhiều người giờ đây đã không còn mặn mà với Facebook.
Sự hoài nghi của người dùng với Facebook đang có xu hướng tăng lên (Ảnh: Getty)
Reuters trích ý kiến của một vài người Đức muốn gọi Facebook là 'Sách gián điệp', vì mạng xã hội nhiều lần bị tố giác là theo dõi và thu thập trái phép thông tin của người dùng. Nhiều người khác chỉ coi động tác đổi tên của Facebook là chiêu trò tiếp thị.
"Chỉ là cách để làm mới thương hiệu và thu hút người trẻ… Như trong lớp của em gái tôi, chẳng có ai dùng Facebook cả", chia sẻ của anh Thomas Hamme, một sinh viên tại Pháp.
Tin đồn đổi tên giữa cơn "bão" bê bối
Mạng xã hội Facebook bắt đầu hoạt động từ năm 2004. Sau 17 năm phát triển, Facebook đã trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh, nhưng song song với đó, những rắc rối mà công ty này vướng phải không ít.
Vụ bê bối lớn nhất của Facebook xảy ra vào tháng 3/2018, khi 87 triệu người dùng Facebook bị tiếp cận bất hợp pháp dữ liệu cá nhân bởi công ty Cambridge Analytica, với mục đích nghiên cứu chính trị phục vụ cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Bê bối Cambridge Analytica tạo nên làn sóng tẩy chay Facebook tại Mỹ (Ảnh Getty)
Bê bối chấn động này khiến làn sóng tẩy chay và xóa tài khoản Facebook với #DeleteFacebook lan rộng và Mark Zuckerberg đã phải ra điều trần trước quốc hội Mỹ
Vào tháng 1/2019, trong đợt kiểm tra bảo mật, Facebook phát hiện ra mật khẩu của 600 triệu người dùng đang được lưu trữ dưới dạng văn bản và hoàn toàn có thể đọc bằng mắt thường trong hệ thống dữ liệu nội bộ.
Gần đây nhất, Facebook đã vướng phải một bê bối bị đánh giá là cực kỳ nghiêm trọng liên quan tới cựu nữ giám đốc sản phẩm tên Frances Haugen. Bà Haugen từng làm việc tại Facebook gần hai năm sau khi đã làm việc tại Google, Yelp và Pinterest. Tại Facebook, bà đã nghiên cứu cách thuật toán mạng xã hội này sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch và bị các thế lực bên ngoài lợi dụng.
Cựu nhân viên Frances Haugen đưa ra hàng loạt cáo buộc gây chấn động đối với Facebook (Ảnh: AP)
Ngày 5/10, trong phiên điều trần trước một Ủy ban của Thượng viện Mỹ, bà Haugen khẳng định rằng Facebook luôn chọn cách tối đa hoá tăng trưởng thay vì thực hiện các biện pháp bảo vệ người dùng trên nền tảng. Mạng xã hội này đã che giấu những nghiên cứu nội bộ chỉ ra tác hại của những sản phẩm Facebook cung cấp cho người dùng. Bà Haugen cũng cáo buộc Facebook lừa dối nhà đầu tư và bao che cho ảnh hưởng tiêu cực của Instagram đến tâm lý của thanh thiếu niên.
Facebook nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc này và khẳng định các nghiên cứu nội bộ của công ty đã bị xuyên tạc. Tuy nhiên, đối với một bộ phận công chúng, niềm tin vào mạng xã hội lớn nhất thế giới đã bị xói mòn nghiêm trọng và thông báo đổi tên của Facebook có thể khiến nhiều người tin rằng công ty đang cố né tránh những rắc rối trong quá khứ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!