Dấu ấn 2015: Năm của khủng hoảng di cư, khủng bố và ông Putin

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 31/12/2015 06:31 GMT+7

VTV.vn - Bức tranh thế giới năm 2015 là những tin tức về khủng bố, cuộc khủng hoảng di cư vào châu Âu và còn là hình ảnh của một nước Nga mới.

Cuộc khủng hoảng di cư 2015

Hơn 1 triệu người di cư tới châu Âu Hơn 1 triệu người di cư tới châu Âu

VTV.vn - 1 triệu người di cư tới châu Âu năm 2015 là con số thống kê do Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đưa ra ngày 22/12.

Năm 2015 chứng kiến cuộc di cư lớn nhất đến châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Một triệu người đã từ bỏ quê hương, bằng mọi giá, bất chấp nguy hiểm, vượt đại dương tìm đường sang châu Âu chỉ trong năm 2015 này, con số cao gấp 4 lần năm ngoái.

Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng di cư này là do cuộc nội chiến tại Syria. Chính phủ nước này lại dỡ bỏ hạn chế về đi lại khiến nhiều người muốn trốn tránh cuộc chiến. Một lí do nữa là việc 4 triệu người tị nạn Syria hiện sống tại các trại tị nạn ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan với điều kiện sống ngày càng xuống cấp do viện trợ quốc tế sụt giảm. Vào tháng 7 vừa rồi, tin đồn loan trong các trại tị nạn về việc số tiền trợ cấp người tị nạn sẽ chỉ còn 50 cent/người/ngày đã đẩy dòng người tị nạn này tràn vào châu Âu.

Nhưng nguyên nhân sâu xa của tình trạng vượt khỏi tầm kiểm soát là việc có một số lực lượng chính trị và tôn giáo tại Trung Đông, bao gồm cả IS muốn đẩy sự hỗn loạn tại những quốc này sang châu Âu và Mỹ như một sự đáp trả cho sự can thiệp của phương Tây vào Trung Đông những năm qua.

Về phần mình, châu Âu cũng chưa bao giờ thể hiện một sự đoàn kết hoặc một tiếng nói chung trong cuộc chiến chống nạn di cư bất hợp pháp. Do vậy, từ cả hai phía, đã đẩy dòng người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi và cả trong lòng châu Âu khăn gói lên đường tìm kiếm những miền đất hứa ở các nước EU phát triển.

Nếu đặt trong bối cảnh chung của thế giới, cuộc khủng hoảng di cư là một biểu hiện của thực trạng các thiết chế tại các khu vực bị thất bại, nơi mà sự đối đầu và thiếu lòng tin sâu sắc giữa các nước lớn khiến các hồ sơ lớn không thể giải quyết, bên cạnh việc chủ nghĩa dân tộc lên ngôi cả về chính trị và kinh tế. Cuộc khủng hoảng di cư khiến các chính phủ và người dân châu Âu lo ngại nhất là ở chỗ nó đã tạo ra một bức tranh an ninh thiếu an toàn hơn cho châu Âu. Không thể loại trừ khả năng chính IS đứng đằng sau nhiều đường dây buôn người đưa các thành viên trà trộn vào châu Âu.

Khủng bố đẫm máu tại Paris: Khi châu Âu không còn an toàn


Người dân Paris đặt hoa tưởng niệm tại một trong các địa điểm đánh bom ngày 13/11

Người dân Paris đặt hoa tưởng niệm tại một trong các địa điểm đánh bom ngày 13/11

Châu Âu đang trở nên mất an toàn hơn và đã bị thử thách thực sự trong năm 2015. Chỉ trong 1 năm, thủ đô Paris của nước Pháp phải gánh chịu tới 2 vụ khủng bố đẫm máu.

Các vụ khủng bố tháng 1 và 11 năm nay tại Pháp đều có yếu tố nhập cư khi các nghi phạm hoặc là gốc gác nhập cư hoặc là thành viên IS mới xâm nhập châu Âu qua tuyến đường Balkan. Với mục đích trả thù, những phần tử IS muốn răn đe các quốc gia đang tấn công lực lượng này ở Syria và Iraq. Pháp vốn là một đồng minh tích cực tham gia các cuộc không kích chống IS do Mỹ dẫn đầu, nên thủ đô Paris – trái tim của châu Âu đã được chọn là mục tiêu.

Các vụ khủng bố đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức về tình hình an ninh tại châu Âu. Châu Âu nhận ra rằng châu lục này không còn an toàn và xa hơn nữa, vượt ra khỏi các vụ khủng bố tại Paris là câu chuyện “Sống chung”. Hiện nay, cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu có khoảng 30 triệu người, trong đó có hàng nghìn phần tử Hồi giáo bị cực đoan hóa. Cuộc khủng hoảng di cư vừa qua đã khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Châu Âu cần tìm cách để giải bài toán này thật khéo bởi nếu quá dung hòa sẽ dễ tạo điều kiện nuôi dưỡng cho mầm mống khủng bố còn nếu quá cực đoan thì càng kích động bạo lực.

Trong năm 2015, tổ chức khủng bố IS vẫn tiếp tục gây thanh thế, dù đã bị hao hụt lực lượng từ các cuộc không kích của liên minh do Mỹ đứng đầu và Nga. Cách thức mà các tổ chức này tiến hành hiện cũng khác trước, đó là “Điều khiển từ xa”. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố trên thế giới năm 2015, từ Paris, Tunisia, Beirut, Copenhagen, San Bernardino, tới vụ khủng bố chiếc máy bay chở khách Nga trên bầu trời Sina, Ai Cập đều không phải do IS hoàn toàn thực hiện mà là giật dây những kẻ bị cực đoan hóa bởi chính sách tuyên truyền của IS tại những quốc gia bản địa.

Cuộc chiến chống IS năm 2015 cũng đã được đẩy mạnh, với sự tham gia không kích của Nga và mới đây là Anh. Nhưng thế trận chống IS toàn cầu vẫn chưa thống nhất, vì hiện có tới 3 mặt trận chống IS tại Iraq và Syria là liên minh do Mỹ đứng đầu, Nga và liên minh quân sự gồm 34 quốc gia Arab và Hồi giáo do Saudi Arabia đứng đầu. Mỗi mặt trận có một lợi ích riêng và điều này đang cản trở một chiến thuật hợp tác quốc tế nhằm chống lại mối đe dọa chung.

Tổng thống Putin và quyết định thay đổi ván cờ Trung Đông


Tổng thống Putin đang nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ phía người dân Nga

Tổng thống Putin đang nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ phía người dân Nga

Năm 2015 đánh dấu 15 năm cầm quyền của Nhà lãnh đạo Vladimir Putin. Thật khó có thể hình dung trong bối cảnh kinh tế Nga khó khăn như vậy, Tổng thống Nga Putin lại nhận được sự ủng hộ của gần 90% người dân Nga và được Tạp chí Forbes bình chọn là nhân vật quyền lực nhất thế giới trong năm thứ 3 liên tiếp.

Tổng thống Putin rõ ràng đang ở trong những thời khắc khó khăn nhất trong nhiệm kỳ của mình khi đang bị phương Tây cấm vận kinh tế, giá dầu xuống thấp và mới đây nhất là căng thẳng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa bối cảnh khó khăn này, Tổng thống Nga Putin lại có những động thái đối ngoại hết sức bất ngờ, khiến nước Nga trở nên quyết đoán hơn và là một đối tác chủ chốt trên bàn đàm phán quốc tế, đó là việc can dự trở lại ván cờ Trung Đông.

Quyết định không kích IS tại Syria được Tổng thống Putin đưa ra vào thời điểm then chốt khi lực lượng của tổng thống Syria Al Asad đang suy yếu. Sự can dự của Nga vào Syria vừa chệch hướng sự chú ý của phương Tây từ Ucraine sang Syria, vừa góp phần quan trọng vào củng cố sức mạnh cho lực lượng Tổng thống Al-Assad – đồng minh của Nga. Việc can thiệp quân sự vào Syria cũng giúp nước Nga tìm lại được chỗ đứng của mình như một trong những cường quốc có vị trí trung tâm trên sân khấu chính trị Trung Đông. Điều này cũng giúp Nga được công nhận là có vai trò ngang hàng với Mỹ trong việc tìm kiếm một giải pháp cho xung đột trong khu vực.

Cuba – điểm sáng trong bức tranh thế giới

Trong số rất nhiều gam màu tối của bức tranh thế giới trong năm vừa qua, Cuba là một điểm sáng đầy tích cực. Trong những năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Barack Obama, quan hệ Mỹ - Cuba bất ngờ có những tiến triển vượt bậc theo chiều hướng ấm lên trong bối cảnh Cuba đang đổi thay từng ngày. Trong khi đó, kinh tế tư nhân đang là động lực chính tạo ra sự thay đổi bên trong quốc đảo Caribe này.

Những dấu ấn của thế giới năm 2015 trong chương trình Dấu ấn 2015:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước