Cảnh báo của quan chức WHO hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào các con số thống kê. Tuần trước, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận khoảng 400.000 ca mắc mới COVID-19, tuần này con số đã tăng lên là 425.000 trường hợp. Đường cong dịch bệnh có dấu hiệu đi lên sau nhiều tuần giảm liên tiếp.
Dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu trở lại ở hàng loạt quốc gia
Trung Quốc, một trong những quốc gia được coi là kiểm soát tốt dịch bệnh, trong một tuần trở lại đây mỗi ngày đều ghi nhận từ 40 đến 50 ca mắc COVID-19 mới. Nhiều thành phố đóng cửa các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí. Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, Ban tổ chức Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh đang lo ngại, dịch bệnh là một thách thức lớn trong đảm bảo tổ chức Thế vận hội an toàn.
Trong khi đó, ở châu Âu, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến đáng lo ngại. Dù đã bao phủ vaccine COVID-19 với tỷ lệ cao hàng đầu ở châu Âu, Anh vẫn ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Giới chuyên gia y tế cảnh báo, Anh có nguy cơ đối mặt với đợt phong tỏa mới vào Giáng sinh. Người dân châu Âu đang gấp rút đối phó với mối lo dịch bệnh bùng phát trở lại.
Dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu trở lại ở hàng loạt quốc gia trên thế giới. (Ảnh: AP)
Những chiếc khẩu trang đang xuất hiện nhiều hơn trên đường phố Anh trong bối cảnh có nhiều cảnh báo dịch bệnh sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trong mùa đông này. Hiện Anh chưa ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, mới dừng lại ở mức khuyến cáo của các chuyên gia.
Trong khi đó, Romania quy định người dân bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Trung bình cứ 5 phút lại có một người tử vong vì COVID-19, Romania đã trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đầu người liên quan đến virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới trong tuần trước.
Dòng người xếp hàng đi tiêm vaccine xuyên đêm là những gì đang diễn ra tại thành phố Kaliningrád, Nga trong những ngày dịch bệnh căng thẳng này. Trước đó, tâm lý chần chừ tiêm vaccine được coi là một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại tại Nga.
Từ ngày 28/10, thủ đô Moscow của Nga bắt đầu đợt phong tỏa trong 11 ngày, trong bối cảnh cả nước ghi nhận số ca mắc và tử vong cao kỷ lục. Đây được coi là những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất kể từ tháng 6/2020 tại Nga.
Facebook lún sâu vào khủng hoảng
Câu chuyện bê bối về niềm tin là vấn đề nóng mà mạng xã hội Facebook liên tiếp vướng phải trong những ngày qua. Facebook vừa chính thức công bố tên gọi và logo mới. Công ty sẽ đổi tên thành "Meta", phản ánh tham vọng của CEO Mark Zuckerberg phát triển từ một công ty mạng xã hội đơn thuần sang một công ty vũ trụ ảo, hay còn được biết đến là metaverse.
Tuy nhiên, việc đổi tên cũng chưa thể giúp mạng xã hội này bỏ lại những rắc rối ở phía sau. Hồi đầu tuần này, cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook, bà Frances Haugen đã ra làm chứng trước Quốc hội Anh. Bà khẳng định, Facebook không muốn nhận trách nhiệm về những vấn đề tiêu cực trên nền tảng này. Theo bà Haugen, Facebook sẽ tiếp tục gây ra nhiều bất ổn nếu không dừng các thuật toán thúc đẩy những nội dung cực đoan và gây chia rẽ. Có thể nói, với tình trạng hiện tại, Facebook đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng không dễ tháo gỡ.
CEO Mark Zuckerberg và tên gọi, logo mới của Facebook. (Ảnh: AP)
Bà Frances Haugen đã tung ra hàng chục nghìn trang tài liệu và nghiên cứu nội bộ liên quan đến Facebook, trong đó cáo buộc công ty này truyền bá sự căm thù, bạo lực, thông tin sai lệch và đã cố gắng che giấu bằng chứng đó. Điều này một lần nữa được nhắc lại khi bà ra làm chứng trước Quốc hội Anh hồi đầu tuần.
Facebook đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 17 năm kể từ khi thành lập. Đối với một bộ phận công chúng, niềm tin vào mạng xã hội này đã bị xói mòn nghiêm trọng và thông báo đổi tên có thể khiến nhiều người tin rằng, đây chỉ là cách công ty đang cố né tránh những rắc rối trong quá khứ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!