Gần 2,2 triệu ca nhiễm, hơn 145.000 người chết
Số người nhiễm bệnh cũng như các ca tử vong vì COVID-19 tiếp tục tăng mạnh trong 24 giờ qua.
Theo thống kê từ Worldometers, tính đến 7h00 sáng nay (17/4), thế giới ghi nhận gần 2,2 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó có hơn 145.000 ca tử vong tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Thế giới đã có gần 2,2 triệu ca nhiễm bệnh, hơn 145.000 người chết vì COVID-19
Mỹ tiếp tục là quốc gia có số người nhiễm và ca tử vong lớn nhất thế giới. Với hơn 29.000 ca nhiễm mới, hiện số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Mỹ đang là hơn 677.000 người, tức chiếm hơn 30% tổng số ca nhiễm trên thế giới. Ngoài ra, nước Mỹ cũng ghi nhận thêm 2.137 người chết, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên hơn 29.000 ca.
Cùng với Mỹ, châu Âu cũng là một "tâm bão" khác của đại dịch COVID-19. Ước tính trong vòng 10 ngày qua, số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu đã tăng gần gấp đôi, hiện đã vượt ngưỡng 1 triệu người. Châu Âu hiện cũng ghi nhận hơn 92.000 người tử vong vì dịch bệnh.
Tại châu Âu, diễn biến dịch bệnh đang thực sự đáng lo ngại ở Pháp. Trong vòng 24 giờ qua, nước Pháp ghi nhận thêm hơn 17.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 165.000 người.
Tây Ban Nha vẫn đang là ổ dịch lớn nhất châu Âu với hơn 184.000 ca nhiễm. Tiếp theo là Italy với hơn 168.000 người mắc bệnh.
Đã có 3 quốc gia ở Đông Nam Á ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 vượt ngưỡng 5.000 người
Tại Đông Nam Á, diễn biến dịch bệnh cũng lo ngại không kém. Hiện Philippines, Indonesia và Malaysa đều đã ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, Singapore đã có thêm 728 người nhiễm mới chỉ trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số lên 4.427 ca.
Sáng nay, tại Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào. Số người nhiễm bệnh vẫn dừng lại ở con số 268 người.
Nhiều nghị sĩ Mỹ muốn Tổng Giám đốc WHO từ chức
Theo AFP, các nghị sĩ của đảng Cộng hòa ngày 16/4 đã hối thúc Tổng thống Donald Trump ra điều kiện về tài trợ của Mỹ dành cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu Tổng Giám đốc của tổ chức này Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức do cách thức giải quyết của ông đối với đại dịch COVID-19.
17 Hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã tuyên bố "mất niềm tin" vào sự lãnh đạo của ông Tedros đối với WHO, bất chấp các nhân vật này nhấn mạnh WHO có vai trò sống còn trong công tác giải quyết những vấn đề y tế của thế giới.
Sức ép tiếp tục gia tăng với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Trong bức thư gửi Tổng thống Trump, Hạ nghị sĩ Michael McCaul - người dẫn đầu nhóm nghị sĩ trên viết: "Tổng Giám đốc Tedros đã thất bại trong nhiệm vụ của ông ta nhằm ứng phó một cách khách quan với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ đại dịch HIV/AIDS".
Theo các nghị sĩ này, ông Tedros đã chậm đưa ra những tuyên bố về tình trạng khẩn cấp "bất chấp bằng chứng rõ ràng về sự lây lan và truyền nhiễm từ người sang người nhanh chóng của dịch bệnh COVID-19".
Bức thư cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi đề nghị rằng, ông nên đặt điều kiện về bất cứ khoản đóng góp tự nguyện nào trong Tài khóa 2020 dành cho WHO nếu Tổng Giám đốc Tedros từ chức".
Tổng thống Trump công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ
Cũng trong một diễn biến đáng chú ý tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 16/4 tuyên bố, việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy tình trạng thuyên giảm của dịch COVID-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: "Cách tiếp cận của chúng tôi sẽ hoạch định 3 giai đoạn trong công tác phục hồi nền kinh tế. Chúng tôi sẽ không mở cửa đồng thời tất cả, mà sẽ triển khai thận trọng từng bước tại từng thời điểm và một số bang sẽ có thể mở cửa sớm hơn các bang khác".
Tổng thống Trump công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ
Tổng thống Trump cũng lưu ý, không phải Nhà Trắng, mà chính là Thống đốc các bang sẽ đảm nhiệm tiến trình trên.
Ông Trump nhấn mạnh: "Nếu họ cần duy trì tình trạng đóng cửa, chúng tôi sẽ cho phép họ làm điều đó. Nếu họ cho rằng đã đến lúc mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ chỉ dẫn cho họ và để họ tự quyết nhằm hoàn tất nhanh chóng nhiệm vụ, quyết định của họ phụ thuộc vào điều họ muốn".
Vaccine là công cụ duy nhất có thể đưa thế giới trở lại bình thường
Ngày 15/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định một loại vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế.
Vaccine là công cụ duy nhất có thể đưa thế giới trở lại bình thường
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các đại diện của 50 quốc gia châu Phi là thành viên Liên hợp quốc, ông Guterres kêu gọi thế giới nhanh chóng phát triển một loại vaccine phòng COVID-19 mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, cũng như đem lại "lợi ích chung toàn cầu" và giúp thế giới kiểm soát đại dịch.
Ông Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận hài hòa và phối hợp hiệu quả để đẩy nhanh tối đa tốc độ cũng như quy mô cần thiết cho việc triển khai một vaccine phòng COVID-19 vào cuối năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!