Các bệnh nhi điều trị bệnh sốt Chikungunya tại Siem Reap. (Nguồn: PhnompenhPost)
Bà Vandine kêu gọi người dân phòng bệnh bằng cách loại bỏ những nơi nước tù đọng để tránh muỗi Aedes gây dịch Chikungunya có thể ẩn náu và sinh sôi.
Ngày 5/8, Chương trình Kiểm soát Bệnh nhiệt đới Quốc gia của Trung tâm Quốc gia về Kiểm soát Ký sinh trùng, Côn trùng học và Bệnh sốt rét Campuchia đã công bố báo cáo về số người nghi ngờ mắc bệnh Chikungunya tại các tỉnh, thành của nước này. Theo đó, so với báo cáo trước đây về việc dịch bệnh bùng phát tại 12 tỉnh, hiện nay dịch sốt Chikungunya đã xuất hiện thêm tại 3 tỉnh gồm Kampong Thom, Battambang và Kandal.
Trong số các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Chikungunya được xét nghiệm tại các tỉnh Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Preah Vihear, Siem Reap, Stung Treng, Preah Sihanouk và Battambang, 72,4% có kết quả dương tính với bệnh Chikungunya.
Phun thuốc khử trùng tại xã Poipet. (Ảnh: khmertimeskh)
Bà Vandine khuyến cáo người dân thận trọng bảo vệ bản thân trong mùa mưa - thời điểm muỗi Aedes sinh sôi rất nhanh. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đã bình phục, song một số ít bệnh nhân vẫn phải điều trị tại bệnh viện. Các ca mắc bệnh Chikungunya đang tăng khá nhanh, đặc biệt là ở Siem Reap (từ 467 ca lên 674 ca).
Theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia ra ngày 23/7, ca đầu tiên trên thế giới mắc bệnh Chikungunya được phát hiện vào năm 1953 tại châu Phi. Viện Pasteur Campuchia đã phát hiện dịch bệnh này xuất hiện lần đầu tại Campuchia vào 1961 và có nhiều người Campuchia mắc bệnh trên vào năm 2011.
Dịch sốt Chikungunya do muỗi Aedes truyền cho người. Các triệu chứng bệnh gồm sốt cao trong 3 - 4 ngày, đau khớp, mỏi cơ, đau đầu, nôn, mệt và phát ban. Thông thường, Chikungunya không gây chết người và hầu hết bệnh nhân sẽ khỏi sau một tuần, tuy nhiên, người bệnh có thể tử vong nếu mắc các bệnh nền như sốt rét, sốt vàng da và viêm màng não.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!