Một báo cáo mới công bố cho thấy, tỷ lệ người trên 65 tuổi tại Trung Quốc đã chiếm tới hơn 15% tổng dân số. Nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc vì thế đang tăng lên. Nhiều trung tâm khai thác công nghệ chăm sóc người cao tuổi và các dịch vụ đi kèm góp phần nâng cao trải nghiệm của người cao tuổi.
Tại một viện dưỡng lão tư nhân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cư dân đều bày tỏ sự hài lòng với các dịch vụ, sự chăm sóc chu đáo của trung tâm với mức giá phải chăng.
Trung tâm cũng đã áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để cải thiện dịch vụ chăm sóc người cao tuổi như thử nghiệm một robot AI hay công nghệ VR hỗ trợ người mắc Alzheimer.
Trung Quốc ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong dịch vụ chăm sóc người già
Bà Bách Tô - cư dân tại Viện dưỡng lão Pu Le Yuan Love - khen ngợi: "Viện dưỡng lão này chắc chắn là tốt. Tôi luôn nghĩ rằng những người làm việc ở đây đã trải qua một số loại hình đào tạo đặc biệt. Nếu không, làm sao họ có thể kiên nhẫn với chúng tôi như vậy".
Ở quy mô toàn quốc, Trung Quốc cũng đã giới thiệu một loạt công nghệ chăm sóc người già trong năm nay, trong bối cảnh thị trường công nghệ chăm sóc người già bùng nổ và người cao tuổi cũng đang học cách để bắt kịp với thời đại công nghệ. Từ máy theo dõi giấc ngủ được kết nối Internet, robot vật lý trị liệu tới đĩa ăn tính toán lượng calo, tự động hóa được kỳ vọng sẽ cung cấp giải pháp cho ngành chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc.
Không chỉ về công nghệ, thị trường đào tạo nhân lực chăm sóc người cao tuổi cũng phát triển. Hiện tại, hầu hết những người làm công tác chăm sóc của Trung Quốc đều trên 45 tuổi nhưng thế hệ trẻ đang bắt đầu bị thu hút vào nghề này do mức lương tốt.
Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc thúc đẩy phát triển "nền kinh tế bạc" là một phản ứng tích cực đối với vấn đề lão hóa, có thể giúp thiết lập cơ chế dịch vụ điều dưỡng và lương hưu chất lượng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!