Một báo cáo mới công bố cho thấy tỷ lệ người trên 65 tuổi tại Trung quốc đã chiếm hơn 15% tổng dân số. Dân số già đang trở thành bài toán không chỉ của Trung Quốc mà của nhiều nước phát triển trên thế giới.
Dân số già có thể tạo ra các gánh nặng cho thị trường lao động nhưng cũng có thể là cơ hội để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tóc bạc.
Tỷ lệ người già tại Trung Quốc tăng nhanh
"Báo cáo thống kê phát triển sự nghiệp dân chính năm 2023" do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố mới đây cho thấy tính đến cuối năm 2023, số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc đạt 297 triệu người, chiếm hơn 21% tổng dân số. Trong đó, số người từ 65 tuổi trở lên đạt 217 triệu người, chiếm 15,4% tổng dân số.
Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2023, tổng cộng hơn 43 triệu người cao tuổi trên toàn Trung Quốc đang được trợ cấp người cao tuổi. Trong số này, có hơn 35 triệu người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp tuổi già, 985.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp điều dưỡng, hơn 6 triệu người được hưởng trợ cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và hơn 650.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp toàn diện.
Tổng cộng hơn 42 tỷ Nhân dân tệ (gần 6 tỷ USD) được chi cho các quỹ phúc lợi người cao tuổi trên toàn Trung Quốc và hơn 22 tỷ Nhân dân tệ được chi cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Số liệu trên cho thấy dân số trên 60 tuổi của Trung Quốc tiếp tục gia tăng và tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nghiêm trọng. Để đối phó với tình trạng già hóa dân số, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành văn bản chính sách đầu tiên có tên "Kinh tế tóc bạc" vào tháng 1 vừa qua, trong đó đề xuất phát triển các sản phẩm công nghệ cao và mô hình dịch vụ chất lượng cao, cũng như phát triển 7 ngành công nghiệp tiềm năng phục vụ cho người già.
Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế tóc bạc
Phát triển "kinh tế tóc bạc" được xem là một trong những giải pháp hàng đầu của Trung Quốc nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số và thúc đẩy phát triển chất lượng cao.
Theo đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tập trung phát triển các dịch vụ như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người cao tuổi tại nhà, những tiện ích trong khu dân cư, dịch vụ văn hóa - thể thao - giải trí cho người cao tuổi, cũng như dịch vụ dưỡng lão ở nông thôn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích phát triển những thiết bị đầu cuối thông minh phù hợp, cũng như chuyển đổi giao diện trang web và ứng dụng di động để giải quyết khó khăn trong tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ số cho người cao tuổi.
Về chính sách vĩ mô, Trung Quốc đặt mục tiêu thành lập 10 "khu công nghiệp kinh tế tóc bạc cấp cao" ở các khu vực trọng điểm như Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và Khu vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau.
Các doanh nghiệp nhà nước sẽ được khuyến khích mở rộng kinh doanh liên quan đến "kinh tế tóc bạc", trong khi những rào cản tiếp cận thị trường chưa hợp lý cũng sẽ được xoá bỏ để từng bước mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ Trung Quốc cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn để hỗ trợ nâng cấp các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi mới đủ tiêu chuẩn và thúc đẩy việc sử dụng thiết bị thông minh.
Thúc đẩy phát triển nền kinh tế tóc bạc được xem là bước đi kịp thời của Trung Quốc để vượt qua các thách thức từ già hóa dân số, góp phần phát triển kinh tế. Theo Trung tâm Nghiên cứu lão hóa Trung Quốc, quy mô hiện tại của nền kinh tế tóc bạc" ở nước này là khoảng 7.000 tỷ Nhân dân tệ - chiếm khoảng 6% GDP của cả nước.
Đến năm 2035, quy mô của nền kinh tế này sẽ đạt 30.000 tỷ Nhân dân tệ - chiếm khoảng 10% GDP của toàn Trung Quốc.
Thống kê cho thấy sức tiêu dùng của những người cao tuổi tại Trung Quốc có thể đạt 20.000 tỷ Nhân dân tệ - tương đương hơn 3.000 tỷ USD. Một trong những thị trường tiềm năng nhất chính là các dịch vụ, ứng dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe.
Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phát triển mạnh
Nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc đang tăng lên khi tỷ lệ người già tăng cao. Các trung tâm khai thác công nghệ chăm sóc người cao tuổi và những dịch vụ đi kèm đã góp phần nang cao trải nghiệm của người cao tuổi, thúc đẩy nền kinh tế tóc bạc.
Ở quy mô toàn quốc, Trung Quốc cũng giới thiệu một loạt công nghệ chăm sóc người già vào năm nay trong bối cảnh thị trường công nghệ chăm sóc người già bùng nổ, trong khi người cao tuổi tại Trung Quốc đang học cách để bắt kịp với thời đại công nghệ.
Từ máy theo dõi giấc ngủ được kết nối Internet, robot vật lý trị liệu tới đĩa ăn tính toán lượng calo, tự động hoá được kỳ vọng sẽ cung cấp giải pháp cho ngành chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc.
Không chỉ về công nghệ, thị trường đào tạo nhân lực chăm sóc người cao tuổi cũng phát triển. Hiện tại, hầu hết những người làm công tác chăm sóc của Trung Quốc đều trên 45 tuổi, nhưng thế hệ trẻ đang bắt đầu bị thu hút vào nghề này do mức lương tốt được cung cấp.
Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc thúc đẩy phát triển nền kinh tế tóc bạc là một phản ứng tích cực đối với vấn đề lão hóa, có thể giúp thiết lập cơ chế dịch vụ điều dưỡng và lương hưu chất lượng cao.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế bạc, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ nỗ lực tạo ra sản phẩm khoa học - công nghệ cao và mô hình dịch vụ chất lượng cao, qua đó người cao tuổi được hưởng thành quả phát triển, an hưởng tuổi già hạnh phúc. Trung Quốc sẽ mở rộng và phát triển dịch vụ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dịch vụ ăn uống dưỡng lão, hỗ trợ người cao tuổi đến tận nhà, dịch vụ tiện lợi dành cho người dân trong khu cộng đồng, sức khỏe người cao tuổi, văn hóa, thể thao người cao tuổi và dưỡng lão ở nông thôn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!