Điểm lại các vụ bê bối thực phẩm bẩn chấn động thế giới

Lan Anh (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 20/03/2017 18:21 GMT+7

Một cơ sở sản xuất dầu bẩn ở Trung Quốc. (Ảnh: THX)

VTV.vn - Mời quý độc giả cùng điểm qua một số vụ bê bối thực phẩm gây chấn động thế giới những năm gần đây.

Tiếp cận đầy đủ một lượng thực phẩm an toàn và bổ dưỡng chính là chìa khóa để duy trì cuộc sống và đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh. Thực phẩm không an toàn có chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học độc hại, có thể là nguồn gốc của hơn 200 bệnh - từ tiêu chảy đến ung thư. 

Một con số đáng báo động nữa là mỗi năm có khoảng 420.000 người tử vong vì sử dụng thức ăn nhiễm độc. Trên thế giới đã có nhiều vụ bê bối thực phẩm bị phát giác. Điều này đã gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, khi những thực phẩm sử dụng hàng ngày có thể là nguồn gốc gây bệnh, thậm chí gây tử vong mà họ không hề hay biết. 

Hãy cùng điểm qua một số vụ bê bối thực phẩm gây chấn động thế giới những năm gần đây.  

1. Thịt đông lạnh từ những năm 1970

Tháng 6/2015, chính quyền Trung Quốc phát hiện khoảng 800 tấn thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc, trong đó có nhiều lô từ những năm 1970. Số thịt này nếu không kịp thời bị phát hiện, sẽ được chuyển tới các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, siêu thị ở tỉnh Hồ Nam và một số tỉnh, thành phố lớn khác của Trung Quốc. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, số thịt trên đang trong tình trạng bị thối rữa và phân huỷ nghiêm trọng. 

2. Dầu ăn làm từ rác thải

Năm 2014 dư luận thế giới chấn động trước bê bối dầu ăn làm từ rác thải của công ty Chang Guann của Đài Loan. Theo điều tra của cơ quan chức năng, loại dầu bẩn trên được tái chế từ dầu thải của các nhà hàng, chất thải từ các lò giết mổ gia súc, vật liệu nhiễm độc, mỡ da quá hạn. Giới chức trách Đài Loan xác nhận, 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhập khẩu sản phẩm làm từ dầu ăn rác thải của công ty Chang Guann. Hơn 200 tấn dầu bẩn đã bị thu hồi, tuy nhiên, không ai biết chính xác số lượng dầu bẩn đã được người tiêu dùng tiêu thụ.

3. Mì tôm nhiễm chì

Tháng 6/2015, Tập đoàn Nestle ở Ấn Độ đã phải rút toàn bộ sản phẩm mì Maggi ra khỏi thị trường nước này, sau khi các báo cáo về lượng chì dư thừa trong sản phẩm làm lan rộng lo ngại trong người tiêu dùng. Tại Ấn Độ, giới hạn tối đa cho phép đối với chì trong một sản phẩm là 2,5 phần triệu. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra phần lớn gói mì đều vượt trên ngưỡng này.

4. Thịt ngựa hóa thịt bò

Đầu tháng 1/2013, cả châu Âu chấn động bởi vụ bê bối thịt giả. Theo đó, một số loại thịt được quảng cáo là thịt bò bị phát hiện chứa ADN của ngựa đã được bày bán tại ít nhất 22 quốc gia châu Âu.

Cuộc khủng hoảng thịt ngựa giả thịt bò tại châu Âu càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi các xét nghiệm cho thấy thịt ngựa đã nhiễm chất cấm có hại đối với sức khỏe con người.

5. Gà nhiễm độc

Tháng 7/2015,  một số người tiêu dùng ở bang Minnesota và Wisconsin của Mỹ đã bị ngộ độc sau khi ăn phải thịt gà từ Hãng Barber Foods. Ngay lập tức, công ty thực phẩm của Ba Lan Barber Foods đã phải gấp rút thu hồi hơn 770 tấn thịt gà do có nguy cơ bị nhiễm độc khuẩn salmonella. Những sản phẩm bị thu hồi gồm thịt gà sống, thịt gà đông lạnh và cả những thực phẩm từ thịt gà đã được chế biến sẵn. Nhiễm salmonella có thể gây rối loạn tiêu hóa, sốt, người có khả năng miễn dịch yếu có thể gặp tình trạng nặng hơn và có thể tử vong.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước