Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới

Quang Duy (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 30/12/2019 10:08 GMT+7

VTV.vn - Năm 2019, các quốc gia Đông Nam Á cho thấy sự phản kháng quyết liệt, đồng loạt siết chặt quy định nhập khẩu và trả rác nhập khẩu trái phép từ các nước phát triển.

Năm 2019 đánh dấu là một trong những năm mà các phong trào phản đối rác thải nhựa được hưởng ứng mạnh mẽ nhất. Các quốc gia Đông Nam Á cho thấy sự phản kháng quyết liệt, đồng loạt siết chặt quy định nhập khẩu và trả rác nhập khẩu trái phép từ các nước phát triển.

Thị trấn "ngập" trong rác

Truyền thông địa phương với chua xót gọi thị trấn nhỏ Jenjarom ở bang Selangor, Malaysia là "thùng rác của thế giới". Lục lọi những khối rác nhựa cao quá đầu người ở đây, người ta thấy chúng có xuất xứ từ Nhật Bản, Mỹ, Anh với những thương hiệu tiêu dùng như Asda, Co-op, Fairy. Thị trấn nhỏ chỉ có 30.000 dân sinh sống, thường xuyên chìm ngập trong hàng chục nghìn tấn rác thải nhựa.

Nguyên nhân là do từ nhiều năm qua, người ta đã lập ra quá nhiều xưởng tái chế nhựa bất hợp pháp trên khắp thị trấn và ồ ạt nhập rác về. Tuy nhiên, một số lượng lớn rác nhập về nằm trong diện rác thải nhựa không thể tái chế và chỉ có 1 giải pháp là chuyển số rác này cho các trung tâm xử lý chất thải. Thế nhưng, những nhà máy tái chế trái phép này đã cắt giảm chi phí bằng cách đốt số nhựa phế thải đó, tạo ra làn khói độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe hàng chục nghìn người dân địa phương.

Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới - Ảnh 1.

Hồi tháng 7/2018, chính quyền Malaysia thanh tra 114 nhà máy tái chế nhựa được cấp phép thì chỉ có 8 nhà máy đáp ứng yêu cầu. Giới chức Malaysia cũng đã đình chỉ giấy phép của toàn bộ 114 nhà máy trong 3 tháng. Số rác bị thu giữ tại thị trấn được bán đấu giá cho các nhà máy hợp pháp nhưng chưa có người mua vì khó xử lý và khả năng gây ô nhiễm nặng. Câu chuyện từ thị trấn nhỏ Jenjarom cho thấy tái chế rác nhựa an toàn là rất khó khăn và tác hại của rác nhựa tới môi trường là vô cùng nghiêm trọng.

Rác thải nhựa đổ dồn về Đông Nam Á

Những số liệu của Cục Tái chế Quốc tế (BIR) cho thấy, 75% lượng rác thải nhựa của thế giới đổ về châu Á. Suốt 30 năm qua, Trung Quốc có chính sách thông thoáng để nhập khẩu và tái chế lượng rác khổng lồ này. Tuy nhiên từ cuối năm 2017, Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu rác thải nhựa. Sự kiện này bị coi là một cú sốc với ngành công nghiệp buôn bán và xử lý rác thải toàn cầu. Hàng triệu tấn rác thải nhựa tìm đường sang các quốc gia lân cận, trong đó khu vực Đông Nam Á chứng kiện số lượng rác tăng nhanh chóng mặt.

Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới - Ảnh 2.

Số lượng rác nhựa nhập vào Malaysia năm 2018 là 860.000 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Indonesia phải tiếp nhận 283.000 tấn, tăng 140%. Số liệu của hải quan Philippines cho thấy, số rác nước cập cảng nước này tăng thêm 150%, trong đó phần lớn là rác nhựa nhập về từ Mỹ.

Trong khi đó tại Thái Lan, chỉ trong nửa đầu năm 2018, lượng rác nhập về đã tăng 1.370%, một tốc độ chóng mặt. Có thời điểm, 30.000 công ten nơ rác nhựa nhập khẩu tắc lại ở các cảng biển của Thái Lan vì không xử lý được.

Sự phản kháng mạnh mẽ

Năm 2019 đánh dấu là một trong những năm mà các phong trào phản đối rác thải nhựa được hưởng ứng mạnh mẽ nhất. Các quốc gia Đông Nam Á cho thấy sự phản kháng quyết liệt, đồng loạt siết chặt quy định nhập khẩu và trả rác nhập khẩu trái phép từ các nước phát triển.

Tháng 1/2019, chính phủ Malaysia tuyên bố cấm nhập khẩu rác nhựa. Từ tháng 5/2019 đến tháng 11/2019, Malaysia ký thoả thuận để trả hơn 450 tấn rác cho Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Canada và loạt quốc gia ở châu Á.

Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới - Ảnh 3.

Chính phủ Philippines cũng cho thấy sự lo lắng về tình trạng rác thải nhựa bị nhập trái phép từ các nước phát triển. Hồi tháng 5/2019, Philippines đã gây sức ép lớn để gửi trả hơn 1.500 tấn rác về Canada. Canada đã xuất rác trái phép sang Philippines trong suốt nhiều năm, điều này đã khiến cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tức giận, ông triệu hồi đại sứ Canada và đe dọa rút các quan chức ngoại giao về nước. Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố: "Chúng tôi không phải nơi xả rác của thế giới".

Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới - Ảnh 4.

Phong trào phản đối rác nhập lậu đưởng hưởng ứng mạnh mẽ tại Philippines - Ảnh: AP

Tháng 9/2019, người phát ngôn cơ quan hải quan Indonesia cho biết khoảng 249 container chứa rác thải đã được trả lại nơi xuất xứ. Gần 200 container trong số đó đã được vận chuyển ra khỏi Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, để trả lại cho Mỹ, Anh và Đức. 49 container còn lại bị giữ trên đảo Batam, gần Singapore, đã được vận chuyển bằng tàu quay lại nơi xuất phát từ Mỹ, Đức, Pháp, Australia và Hong Kong (Trung Quốc).

Phát biểu trước báo giới ngày 25/12, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Thái Lan Varawut Silpa-arch khẳng định quan điểm của bộ này là phản đối mạnh mẽ và cam kết triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc cấm rác thải điện tử và rác thải nhựa. Thái Lan là quốc gia đầu tiên trong khu vực, đưa ra luật để chống tình trạng này. Tháng 6/2018, Chính phủ Thái Lan đã công bố luật cấm nhập khẩu rác thải điện tử.

Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới - Ảnh 5.

Bình luận của tờ Guardian của Anh cho thấy, rác nhựa chuyển đến Đông Nam Á khá nhiều thuộc loại ‘độc hại, chất lượng thấp’ nên không thể tái chế. Các quốc gia trong khu vực gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý làn sóng rác thải nhựa khổng lồ đổ về từ các nước phát triển. Thủ đoạn thường thấy là các doanh nghiệp trong nước câu kết với doanh nghiệp từ nước ngoài, nhập khẩu rác nhựa nhưng khai báo dưới tên hàng hóa khác.

Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới - Ảnh 6.
Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới - Ảnh 7.
Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới - Ảnh 8.
Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới - Ảnh 9.

Nghiêm trọng hơn, lượng lớn rác thải nhựa lại đi cùng với sự kém hiệu quả trong khâu xử lý và tái chế. Rất nhiều rác nhựa đang tràn qua các cửa biển ra đại dương, ảnh hưởng đến môi trường và sự sống của các sinh vật như cá voi. Nhiều cảnh báo cho thấy, đến năm 2050, nhiều sinh vật sống trên các vùng biển Trái đất sẽ bị thay thế bởi nhựa và các loại rác thải khác. Còn trên mặt đất, tại nhiều vùng làng quê, như câu chuyện ở thị trấn Jenjarom, khâu xử lý rác được thực hiện thiếu hiệu quả, khiến người dân phải sống chung với ô nhiễm, khói bụi đốt rác vô cùng độc hại.

Việt Nam quyết tâm chặn rác nhựa nhập lậu

Cụ thể tại Việt Nam, theo số liệu cập nhật đến tháng 10/2019 từ Tổng cục Hải Quan, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, hiện nay còn 3.830 container phế liệu nhựa nhập khẩu tồn dư trên 90 ngày đang chờ xử lý ở các cảng biển Việt Nam, phần lớn container phế liệu nhựa trên hiện đang được tập kết tại 3 cảng lớn là Hải Phòng, Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Điểm nhấn năm 2019: Đông Nam Á không trở thành bãi rác của thế giới - Ảnh 10.

Còn gần 4.000 container phế liệu nhựa tồn dư tại cảng biển Việt Nam - Ảnh TTX

Tổng cục Hải quan cũng cho biết rằng, sau khi có Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc siết chặt kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu, từ tháng 9/2018 đến nay Việt Nam đã kiểm soát tốt việc này. Một số Bộ, ngành khác như Bộ Tài chính, Giao thông vận tải cũng đã đưa ra những "rào cản," buộc các doanh nghiệp, chủ tàu vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về phải xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu; phải có tờ khai ghi rõ thông tin doanh nghiệp nhập khẩu còn hạn hay không và khối lượng nhập cụ thể.

Về hướng quản lý phế liệu sắp tới, ông Thức cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp và xây dựng báo cáo trình lên Thủ tướng cũng như phối hợp với các Bộ, ngành để có những kiểm soát quyết quyết liệt hơn và chặt chẽ hơn.

Với gần 4.000 container phế liệu nhựa nói trên, Thủ tướng chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và các đơn vị thực thi, trực tiếp là ngành hải quan chủ trì đứng ra thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý. Những lô hàng nào đã vi phạm, tức là nhập không đúng sẽ yêu cầu bắt buộc các chủ tàu sẽ phải tái xuất khỏi lãnh hải Việt Nam. Những lô hàng nào đúng quy chuẩn có thể được phép sử dụng lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước