Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào hai tàu của Philippines gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông hôm 30/4. (Ảnh: Philippine Coast Guard/AFP)
Trung Quốc tuyên bố "chỉ thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật"
Vụ việc xảy ra hôm 30/4, gần bãi cạn Scarborough, nơi cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền, ngay trước khi Philippines đưa một đoàn dân sự lên bãi cạn này để triển khai chương trình tập trận chung Balikatan 2024 với Mỹ. Năm 2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.
Theo giới chức Philippines, một tàu tuần duyên và một tàu khác của nước này đã bị hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và bị hư hại, trong khi đang trên đường đến bãi cạn Scarborough để hỗ trợ ngư dân Philippines trong khu vực.
"Hải cảnh Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng cũng như gia tăng mức độ gây hấn của họ đối với tàu tuần duyên Philippines. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể nói rằng tàu tuần duyên Philippines đã bị phun vòi rồng trực tiếp với áp lực như vậy, thậm chí còn dẫn đến hư hỏng cấu trúc" - người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Thiếu tướng Jay Tarriela, phát biểu hôm 1/5.
Trung Quốc tuyên bố "chỉ thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật" (Ảnh vùng biển bãi Cỏ Mây: China Daily)
Trong khi đó, Gan Yu - người phát ngôn của Lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) - tuyên bố đã xua đuổi 2 tàu của Philippines vì "xâm phạm vùng biển giáp đảo Hoàng Nham (cách Bắc Kinh gọi bãi cạn Scarborough)".
Ông Gan cho biết CCG đã thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật, bao gồm giám sát, cảnh báo bằng vòi rồng, ngăn chặn và kiểm soát, xua đuổi các tàu xâm phạm trái phép, đồng thời cho biết thêm rằng "các hành vi này rất chuyên nghiệp và hợp pháp".
"Hành động của một số tàu thuyền Philippines làm vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế", đồng thời kêu gọi phía Philippines chấm dứt ngay hành động xâm phạm. Ông Gan nhấn mạnh rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với đảo Hoàng Nham và vùng biển lân cận cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.
Philippines phản ứng gay gắt
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: "Philippines phản đối hành vi đâm va, bao vây, bám đuôi và chặn đầu, những hành động nguy hiểm như phun vòi rồng và các hành động gây hấn khác của hải cảnh và dân quân biển của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc và các tàu dân quân Trung Quốc chống lại các tàu của Philippines".
Tuyên bố viết: "Philippines yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi Bãi cạn Scarborough và vùng phụ cận ngay lập tức".
Phía Philippines cho hay hai tàu tuần tra BRP Bagacay và BRP Datu Bankaw của nước này đã bị hư hỏng nặng sau khi hứng hơn 10 trận "pháo nước" từ vòi rồng của Trung Quốc.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết chi phí sửa chữa con tàu bị hư hỏng trong vụ việc là từ 2 đến 3 triệu PHP (từ 34.700 đến 52.000 USD). Họ cũng xác nhận Manila sẽ gánh chịu chi phí sửa chữa.
Tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế M/L Kalayaan do hải quân Philippines điều hành khi nó tiếp cận Bãi cạn Second Thomas, địa phương gọi là Bãi cạn Ayungin, ở Biển Đông (Ảnh: AP)
Hôm 2/5, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã triệu một nhà ngoại giao Trung Quốc đến để phản đối hành động phun vòi rồng vào các tàu Philippines ở cấu trúc tranh chấp trên biển.
Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm đã yêu cầu Manila dừng "các hành động khiêu khích". Ông Lâm nói hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện "các biện pháp cần thiết" nhằm vào tàu Philippines xâm phạm.
Cùng ngày, phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng việc làm thủy thủ đoàn Philippines bị thương và gây thiệt hại cho các tàu Philippines ở Biển Đông là "hành vi vô trách nhiệm và coi thường luật pháp quốc tế".
Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn ở Biển Đông
Bãi cạn Scarborough giàu tài nguyên, được Philippines gọi là Bajo De Masinloc và Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila nhưng trên thực tế đã nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh trong hơn một thập kỷ.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu Trung Quốc dùng vòi rồng chống lại tàu Philippines gần bãi cạn này. Bắc Kinh cũng thường xuyên sử dụng vòi rồng chống lại các tàu thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại Bãi cạn Second Thomas (Ayungin), một vùng lãnh thổ tranh chấp khác.
Chỉ trong vòng chưa đến 20 ngày của tháng 3/2024, hải cảnh Trung Quốc đã hai lần phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế Philippines tại khu vực bãi Cỏ Mây ở Biển Đông.
Philippines đã liên tục đưa ra các phản đối ngoại giao chống lại Trung Quốc về các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức vào tháng 7/2022, chính phủ Philippines đã đưa ra 153 cuộc phản đối, trong đó có 20 cuộc phản đối được đệ trình trong 4 tháng đầu năm 2024.
Các yêu sách lãnh thổ chồng chéo ở Biển Đông là nguyên nhân gây ra căng thẳng lâu dài trong khu vực, đẩy Trung Quốc đứng về phía quan điểm trái ngược với Đài Loan và các nước Đông Nam Á bao gồm Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam…
Philippines đang tham gia cuộc tập trận quân sự chung thường niên lớn nhất với Mỹ (Balikatan 2024)
Vào năm 2012, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án thế giới sau tranh chấp ở bãi cạn Scarborough, sau khi tàu và thuyền Trung Quốc lần đầu tiên chiếm đóng khu vực này. Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt được đưa ra 4 năm sau đó, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague đã ra phán quyết có lợi cho Manila và bác bỏ các yêu sách lãnh thổ sâu rộng của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối thừa nhận phán quyết đó, nhấn mạnh vào các yêu sách lịch sử của mình đối với vùng biển này.
Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Philippines còn xảy ra khi Balikatan - cuộc tập trận quân sự chung thường niên lớn nhất giữa Mỹ và Philippines - huy động gần 17.000 binh sĩ, chủ yếu là lính Mỹ và Philippines, diễn ra ở khu vực miền Bắc và miền Tây quần đảo Philippines.
Trung Quốc trong những năm gần đây tỏ ra cứng rắn hơn trong việc thực thi tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo. Cách đây vài ngày, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đã đối đầu với các tàu chở các nhà lập pháp Nhật Bản tại vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!