Báo cáo được Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) công bố ngày 5/12 cho biết, 100 công ty nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới thu về tổng cộng 592 tỷ USD tiền bán vũ khí và các dịch vụ quân sự liên quan trong năm 2021, tăng 1,9% so với năm 2020.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Sipri cho rằng, tăng trưởng doanh số bán vũ khí toàn cầu đã có thể tăng mạnh hơn nếu không có các vấn đề dai dẳng liên quan đến chuỗi cung ứng trên diện rộng. Cả các công ty vũ khí lớn và nhỏ đều ghi nhận doanh số bán hàng bị ảnh hưởng trong năm 2021 vừa qua. Một số công ty như Airbus hay General Dynamics báo cáo tình trạng thiếu nhân công.
Theo ông Nan Tian - Nhà nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI): "Tác động lâu dài của đại dịch bắt đầu thể hiện trong ngành công nghiệp vũ khí và các công ty sản xuất vũ khí. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn do thiếu lao động và thiếu cả nguyên liệu đầu vào. Việc tìm kiếm nguyên liệu thô đang làm chậm khả năng sản xuất vũ khí của các công ty cũng như việc giao hàng đúng hạn".
Sipri nhận định, căng thẳng Nga - Ukraine sẽ gây ra những vấn đề tương tự đối với ngành sản xuất vũ khí toàn cầu trong tương lai gần và trung hạn, một phần do Nga là nhà cung cấp chính các nguyên liệu thô được sử dụng trong chế tạo vũ khí.
Theo báo cáo của SIPRI, các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục thống trị lĩnh vực sản xuất vũ khí toàn cầu với doanh số 299 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng thu nhập của 100 công ty vũ khí hàng đầu thế giới, đồng thời nằm trong nhóm 40 công ty hàng đầu trong danh sách. Trong khi đó, doanh thu của 8 công ty vũ khí lớn nhất Trung Quốc năm 2021 tăng 6,3% so với 2020, lên mức 190 tỷ USD. 27 công ty châu Âu lọt vào danh sách 100 doanh nghiệp vũ khí hàng đầu thế giới với tổng doanh thu là 123 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2020.
Cuộc chiến Ukraine tác động tới thị trường vũ khí
Một yếu tố rất được quan tâm hiện nay khi nhắc tới thị trường vũ khí chắc chắn đó là tình hình trên thực địa tại Ukraine. Các nhà nghiên cứu của Sipri nhận định, hiệu ứng từ Ukraine là nhu cầu vũ khí toàn cầu sẽ tăng trong những năm tới và tác động tới tình hình sản xuất vũ khí toàn cầu.
Theo Sipri, dưới tác động của những căng thẳng Nga - Ukraine, có hai yếu tố khiến nhu cầu vũ khí toàn cầu tiếp tục tăng. "Thứ nhất, tất nhiên là việc bổ sung kho vũ khí đang cạn kiệt mà châu Âu và Mỹ đã gửi đến Ukraine. Mặt khác, tình hình và môi trường an ninh toàn cầu đã thay đổi, khiến các nước tìm cách mua thêm vũ khí", ông Nan Tian nói.
Các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ đang thống trị ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu và cuộc xung đột Nga - Ukraine dường như không làm thay đổi thực tế này. Quyết định Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ khiến các nhà sản xuất vũ khí của nước này bận rộn trong thời gian tới. Chẳng hạn, việc Mỹ cung cấp khoảng 1/3 kho tên lửa chống tăng Javenlin cho Ukraine sẽ khiến liên doanh Raytheon-Lockheed Martin mất từ 3 đến 4 năm để sản xuất các tên lửa thay thế chúng. Giá cổ phiếu của các công ty nói trên tăng vọt là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tin rằng xuất khẩu vũ khí sẽ là lĩnh vực sinh lời lớn bất chấp suy thoái kinh tế.
Nhu cầu tăng, nhưng các vấn đề về đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục, các nhà sản xuất vũ khí sẽ khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu của các bên mua. Nga là một trong những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng lại phụ thuộc khá nhiều vào linh kiện nhập khẩu. Các công ty vũ khí của Nga đã tăng cường sản xuất sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tuy nhiên họ lại gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn cung vật liệu bán dẫn, hay chịu tác động của các lệnh trừng phạt, ví dụ như khi nhận các khoản thanh toán. Chưa kể, nhiều khách hàng truyền thống đang e ngại mua vũ khí của Nga, do khả năng thay thế phụ tùng bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Cùng lúc này, nhiều hợp đồng mua bán vũ khí mới có thể được ký. Ấn Độ vốn mua gần một nửa lượng vũ khí từ Nga nhưng đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung. Pháp vì thế đang nhắm tới những hợp đồng vũ khí lớn với Ấn Độ, thông qua chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tới New Delhi trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Emmanuel Macron vào đầu năm sau.
Thậm chí, Ấn Độ là một trong những quốc gia tìm cách tự cải thiện năng lực sản xuất để đáp ứng các nhu cầu quốc phòng, thay vì nhập khẩu. Hồi tháng Tư vừa qua, Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất máy bay trực thăng, động cơ xe tăng, tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bù đắp cho sự sụt giảm lượng vũ khí nhập khẩu của Nga. Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều thị trường mới nổi khác cũng nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp quốc phòng trong hai thập kỷ qua và xung đột Nga - Ukraine dường đang góp phần đẩy nhanh quá trình này.
Báo cáo của Sipri cũng chỉ ra một xu hướng mới, đó là việc các công ty cổ phần tư nhân mua lại các công ty vũ khí. Xu hướng này sẽ khiến ngành công nghiệp vũ khí khó theo dõi hơn, khi báo cáo tài chính của các công ty này không rõ ràng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!