Toàn cảnh một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), ngày 21/9/2021. (Ảnh: AP)
Tại phiên họp, các quốc gia, đại diện các tổ chức đã bày tỏ sự tôn trọng và kêu gọi giữ gìn, tuân thủ các cam kết là kim chỉ nam trong hoạt động hàng hải quốc tế. Việt Nam phát biểu với tư cách đại diện nhóm Bạn bè Công ước Luật Biển.
Ngày 30/4/1982, Công ước Luật Biển chính thức được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua với 130 phiếu thuận trên 151 nước bỏ phiếu. Với giáo sư Tommy Koh, người chủ trì phiên họp ngày đó, đây là dấu mốc rất quan trọng đối với hòa bình, an ninh thế giới.
Giáo sư Tommy Koh, Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 3 về Luật Biển, tuyên bố: "Chúng ta nên biết quý trọng Công ước vì nhiều lý do. Trước hết, UNCLOS đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn hỗn loạn và không có tính đa phương về vấn đề luật biển. Rõ nhất là giai đoạn những năm 50, 60 và 70. Trong hoàn cảnh đó, UNCLOS nên được coi là một bản hiến pháp cho hàng hải quốc tế".
UNCLOS được coi là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên Hợp Quốc, hậu Thế chiến II. Sau 40 năm, số quốc gia tham gia ký và phê chuẩn Công ước đã tăng lên 162. Điều này càng khẳng định tính đúng đắn về pháp lý của công ước.
Ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76, nói: "Chúng ta hãy cùng làm việc trong nhiều năm tới vì sự thành công của UNCLOS, vì những cam kết đối với nguyên tắc và giá trị của chủ nghĩa đa phương. Hãy củng cố các cam kết và bảo vệ đại dương của chúng ta".
Tham gia UNCLOS ngay từ đầu, Việt Nam lại tham gia sáng lập nhóm Bạn bè Công ước Luật Biển vào năm 2021. Phát biểu với tư cách đại diện nhóm, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết, UNCLOS đã giúp thế giới đạt nhiều bước tiến về quản trị hàng hải. Tuy nhiên, nhiều thách thức mới đang ở phía trước. Vì thế, ngoài tuân thủ nghiêm Công ước, cần có thêm các ý tưởng tăng cường hợp tác.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, phát biểu: "Chúng tôi đã thành lập nhóm Bạn bè của UNCLOS nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa các cam kết của chúng ta và việc thực hiện Công ước quan trọng này. Gần 120 thành viên của nhóm đang nỗ lực nâng cao hiểu biết về UNCLOS và cách áp dụng UNCLOS trong thực tiễn hàng hải, khám phá các cơ hội hợp tác và xác định các thách thức cũng như những hỗ trợ có thể trong việc thực hiện Công ước".
Trải qua 40 năm, UNCLOS có thể chưa giải quyết được mọi bất đồng, nhưng những nguyên tắc cơ bản của nó đã được sử dụng hiệu quả để giải quyết hoặc kiểm soát hàng chục vụ tranh chấp hàng hải trên thế giới. Không ít quốc gia đã phải tự điều chỉnh luật trong nước để phù hợp hơn với UNCLOS. Đây là giá trị rất lớn mà UNCLOS đóng góp cho hòa bình và tự do hàng hải quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!