Đã có hơn 54.000 người chết vì COVID-19 ở Indonesia. Ảnh: Reuters
Trong 24 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 284.998 ca, tử vong tăng 5.678 ca. Châu Âu tăng 34.894 ca; Bắc Mỹ tăng 11.803 ca; Nam Mỹ tăng 90.637 ca; châu Á tăng 125.307 ca; châu Phi tăng 22.177 ca; châu Đại Dương tăng 180 ca.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á khi nhiều nước ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Ngày 20/6, Indonesia ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới tăng cao nhất kể từ tháng 1/2021 (12.906 ca) và ngày có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất (248 ca) kể từ đầu tháng 4. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã lên tới 1.976.172 ca, bao gồm 54.291 ca tử vong.
Malaysia có 5.293 ca nhiễm mới và thêm 60 ca tử vong do COVID-19. Đáng lo ngại là Malaysia ghi nhận tới 5.286 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 696.408 ca nhiễm và 4.408 ca tử vong. Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Malaysia áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện từ ngày 1-28/6. Các chuyên gia y tế của nước này dự báo, số ca mắc mới có thể sẽ tăng tới 13.000 trường hợp mỗi ngày nếu Chính phủ Malaysia không áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện.
Bộ Y tế Lào ngày 20/6 cho biết nước này ghi nhận 3 ca nhiễm mới (gồm 2 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Vientiane và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại tỉnh khác), nâng tổng số ca bệnh tại Lào đến nay là 2.053 ca.
Một cơ sở tiêm ngừa COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters
Thời gian qua, mặc dù các biện pháp phòng dịch đã được thực hiện tương đối tốt nhưng Lào vẫn ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Vientiane, trong bối cảnh biến chủng mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh ở các nước láng giềng. Bên cạnh đó, tình trạng người dân chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch khiến dịch bệnh vẫn còn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng.
Thái Lan ngày 20/6 ghi nhận thêm 3.682 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 20 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 281.131, trong đó có 1.629 người không qua khỏi.
Bộ Y tế Philippines thông báo đã phát hiện 5.803 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.359.015 trường hợp. Tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Philippines cũng đã lên tới 23.621 người, sau khi có thêm 84 trường hợp tử vong công bố ngày 20/6.
Tại châu Âu, dịch bệnh có chiều hướng xấu đi tại Nga khi nước này thông báo có thêm 17.611 ca nhiễm, riêng thủ đô Moscow tập trung 8.305 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 5.316.826 ca. Đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 129.361 ca tử vong do COVID-19 sau khi có thêm 450 bệnh nhân không qua khỏi được công bố trong ngày 20/6.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới điều trị tại bệnh viện Kommunarka, ngoại ô Moscow, Nga ngày 17/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong khi đó, nhiều nước châu Âu gỡ bỏ dần các quy định hạn chế để phòng dịch. Cụ thể, Italy thông báo từ ngày 21/6, gần như toàn bộ các khu vực của nước này đều được xác định là vùng hầu như không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (vùng trắng), với hầu hết các quy định phòng dịch được dỡ bỏ.
Tại các vùng trắng, người dân chỉ phải tiếp tục tiến hành giãn cách xã hội và đeo khẩu trang cả ở trong nhà và ngoài trời. Tại khu vực duy nhất bị xác định là vùng vàng (có nguy cơ thấp) về COVID-19 là Val d'Aosta, ngoài 2 quy định trên, còn có thêm lệnh giới nghiêm từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng đối với những người chưa tiêm đủ vaccine.
Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Phi chiều 20/6 thông báo, số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi ở châu lục này đã lên tới 137.253 người, trong tổng số 5,18 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 ghi nhận toàn châu lục. Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là những nước có số mắc COVID-19 cao nhất châu lục.
Điểm sáng trong thông tin dịch bệnh ngày 20/6 là Trung Quốc đại lục tính đến nay đã sử dụng hơn 1 tỷ mũi vaccine ngừa COVID-19 tiêm chủng cho người dân nước này, chiếm hơn 1/3 trong tổng số hơn 2,5 tỷ liều vaccine toàn thế giới tiêm chủng cho đến nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!