Hệ thống đường ống và van ngắt tại trạm tiếp nhận khí đốt của đường ống Dòng chảy phương Bắc ở Lubmin, Đức, ngày 5/11/2020. (Ảnh: Getty Images)
Nghị sĩ Quốc hội Đức Steffen Kotre nói với hãng tin TASS hôm 21/10, việc từ bỏ năng lượng của Nga và thay thế bằng nguồn cung cấp khí đốt khác là một sai lầm.
"Điều mà Thủ tướng (Olaf Scholz) làm đang gây thiệt hại cho các công ty và người tiêu dùng tư nhân", ông Kotre, người cũng là thành viên của Ủy ban Quốc hội Đức về bảo vệ năng lượng và khí hậu, nhận xét, đề cập đến lời khen ngợi trước đó của Thủ tướng Đức Scholz về những nỗ lực của nước này nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga
"Giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa ở Đức. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh, Đức nên đồng ý mua khí đốt thông qua nhánh còn lại của đường ống Dòng chảy phương Bắc", ông Kotre nêu rõ.
Dòng chảy phương Bắc là tuyến đường ống dẫn khí đốt giữa Nga và Đức chạy qua biển Baltic. Nó bao gồm các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2, mỗi đường ống gồm hai nhánh riêng biệt. Đức từng nhận khí đốt của Nga thông qua Dòng chảy phương Bắc 1, trong khi Dòng chảy phương Bắc 2 chưa bao giờ được chứng nhận do những trở ngại quan liêu.
Dòng chảy phương Bắc 2 đã bị đình chỉ bởi sự chậm trễ và các lệnh trừng phạt. (Ảnh: The Moscow Times)
Cả hai đường ống đều bị hư hỏng và ngừng hoạt động vào năm 2022, trong một sự cố được nhiều người coi là hành động phá hoại. Kết quả là Đức mất khả năng tiếp cận trực tiếp với khí đốt của Nga, từng đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu năng lượng của nước này. Một trong hai nhánh của Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn "sống sót", nhưng chính quyền Đức vẫn chưa nối lại quy trình chứng nhận do căng thẳng chính trị với Moscow về xung đột Ukraine.
Theo ông Kotre, điều này cần phải thay đổi, vì Đức hiện phải trả nhiều tiền hơn cho khí đốt từ các nguồn thay thế so với trước đây, khi mua khí đốt của Nga.
"Khí đốt của Nga mang lại lợi nhuận và thân thiện với môi trường, nhưng điều này lại không xảy ra với nguồn cung hiện tại của chúng ta, chủ yếu là khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ. Đức phải trả gấp ba đến bốn lần cho những nguồn cung thay thế này, nhưng khí đốt từ Mỹ sản xuất bằng phương pháp fracking (miêu tả quá trình chiết xuất khí thiên nhiên từ sâu trong lòng đất, trong đó đá xốp được tách rời bằng nước, cát và hóa chất) không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của chúng ta", theo ông Kotre.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!