Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây đã hối thúc giới chức Liên minh châu Âu (EU) giảm mức phạt CO2 xuống thấp hơn nhằm tránh gây thêm thiệt hại cho ngành công nghiệp ô tô đang gặp khó khăn. Nhà lãnh đạo Đức cho rằng EU nên tìm cách đảm bảo rằng các khoản tiền phạt không gây ảnh hưởng đến thanh khoản tài chính của các công ty hiện cần đầu tư vào xe điện năm 2025.
Với những quy định khí thải mới và nghiêm ngặt hơn của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang phải đối mặt với việc tăng giá xe chạy xăng đồng thời chuẩn bị cho các chương trình giảm giá đáng kể đối với xe điện.
Nếu không đạt được các mục tiêu vào năm 2025, các nhà sản xuất ô tô châu Âu có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt ước tính là trên 15 tỷ USD, trong đó hãng xe Volkswagen của Đức - nhà sản xuất ô tô hàng đầu của khu vực - sẽ phải chịu thiệt hại lớn nhất.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: AP)
Trước đó, vào tháng 5, các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải. Luật mới giúp cắt giảm 90% lượng khí thải CO2 từ các phương tiện hạng nặng mới vào năm 2040.
Điều này đồng nghĩa rằng phần lớn xe tải được các nhà sản xuất bán tại thị trường EU phải là loại hoàn toàn không phát thải CO2, trong đó có xe điện, xe chạy bằng nhiên liệu hydrogen để đạt mục tiêu trung hòa khí thải với những xe mới là xe phát thải CO2 vẫn được bán trong năm 2040.
Hầu hết xe tải hiện đang hoạt động tại EU hiện nay là xe chạy bằng dầu diesel có thể gây ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những vật chất làm ô nhiễm không khí có liên hệ với bệnh ung thư phổi và các bệnh về hô hấp. Các phương tiện hạng nặng gây ra 25% khí thải giao thông đường bộ ở EU. Theo luật mới, đến năm 2030, các hãng sản xuất xe tải cũng sẽ phải giảm 45% khí thải CO2 từ các đội xe thay vì mức 30% hiện nay và đến năm 2035, con số này phải tăng lên 65%.
Từ năm 2030, 90% xe bus đô thị mới được bán ở EU phải là loại không phát thải trước khi tăng lên 100% vào năm 2035.
Liên minh ô tô châu Âu (ACEA) cho rằng các mục tiêu chỉ có thể được hoàn thành nếu đến năm 2030, các chính phủ có thể triển khai nhanh chóng 50.000 điểm sạc điện cho xe tải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!