Theo Báo cáo Ngân sách carbon toàn cầu của các nhà khoa học từ trên 90 tổ chức, lượng khí thải carbon trên toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch có thể cao kỷ lục trong năm nay, khiến biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn và gây thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Báo cáo, được công bố vào ngày 5/12 tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) cho biết, lượng khí thải CO2 ở mức kỷ lục trong năm 2022 và ổn định trong năm nay nhờ lượng khí thải từ việc sử dụng đất như phá rừng giảm nhẹ.
Các nước được cho là sẽ thải ra tổng cộng 36,8 tỷ tấn CO2 từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023, tăng 1,1% so với năm 2022. Nếu tính cả lượng khí thải từ việc sử đất, lượng khí thải CO2 được cho là sẽ ở mức 40,9 tỷ tấn trong năm nay.
Lượng khí thải từ than, dầu mỏ và khí đốt đều tăng, chủ yếu là tại Ấn Độ và Trung Quốc. Lượng khí thải của Trung Quốc tăng do việc mở cửa nền kinh tế trở lại sau giai đoạn phong tỏa để kiểm soát dịch, trong khi với Ấn Độ là do nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh hơn công suất năng lượng tái tạo, khiến nhiên liệu hóa thạch phải bù vào phần thiếu hụt.
Dự báo trên khiến mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp trở nên khó đạt được hơn.
Theo Thỏa thuận chung Paris năm 2015 về ứng phó biến đổi khí hậu, các nước đã nhất trí duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2°C và hướng tới mục tiêu 1,5°C.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu lên những điểm sáng, với lượng khí thải tại Mỹ và Liên minh châu Âu đều giảm, một phần nhờ các nhà máy điện sử dụng than hết thời hạn sử dụng.
26 quốc gia chiếm 28% lượng khí thải của toàn cầu đều ghi nhận lượng khí thải có xu hướng giảm. Hầu hết các nước này là ở châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!