Kế hoạch trên được đưa ra bất chấp sự sụp đổ của liên minh cầm quyền tại Đức - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này Boris Pistorius cho biết hôm 18/11.
Đức - quốc gia hậu thuẫn lớn nhất của Ukraine tại châu Âu - đã cam kết củng cố, nâng cấp lực lượng vũ trang đang suy yếu và tăng cường nền quốc phòng như một phần của sự thay đổi chính sách được công bố ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch tấn công quân sự Ukraine vào tháng 2/2022.
Bộ trưởng Pistorius phát biểu tại lễ động thổ một cơ sở sản xuất tên lửa mới của tập đoàn MBDA tại Schrobenhausen: "Nhiệm vụ là tăng cường hơn nữa các cơ sở công nghiệp quốc phòng của đất nước chúng ta trong thời điểm này. Không chỉ duy trì mà còn phải củng cố nó. Do đó, chúng tôi muốn cải thiện các điều kiện cơ bản cho một ngành công nghiệp an ninh và quốc phòng hiệu quả".
Chiến lược này có thể cho phép Chính phủ Đức nắm giữ cổ phần trong những nhà sản xuất vũ khí và dự án quốc phòng trong "trường hợp chiến lược", các khuyến nghị bao gồm thúc đẩy những công nghệ quan trọng và cải thiện khuôn khổ tài chính của ngành.
Ông Pistorius cho biết tại một sự kiện riêng vào ngày 18/11 tại địa điểm của Airbus Helicopters ở Donauwoerth rằng Chính phủ Đức vẫn có khả năng hành động, bất chấp liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do tan rã.
"Chúng tôi với tư cách là chính phủ liên bang tất nhiên sẽ tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận chuyên sâu với ngành an ninh và quốc phòng" - Bộ trưởng Pistorius nói thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!