Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild, Bộ trưởng Lindner thừa nhận rằng Berlin đang đối mặt với viễn cảnh năng lượng đắt đỏ hơn trong dài hạn nếu không có khí đốt tự nhiên của Nga.
"Đó sẽ là một điều bình thường mới. Khí đốt thông qua các thiết bị đầu cuối khí lỏng đắt hơn so với khí đốt qua đường ống của Nga chỉ vì lý do hậu cần. Vì vậy, mức giá vẫn cao hơn, nhưng không có những đột biến nguy hiểm", ông Lindner nói.
Trong suốt năm qua, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã nhiều lần tăng vọt lên mức chưa từng có do các lệnh trừng phạt đối với Nga và sự gián đoạn nguồn cung cấp qua đường ống từ Nga. Điều này đã dẫn đến tình trạng lạm phát tăng vọt trên khắp EU.
Để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những đợt tăng đột biến như vậy, vào tháng 12/2022, các quốc gia EU đã đồng ý áp đặt mức trần khẩn cấp đối với giá bán buôn khí đốt ở mức 180 Euro (191 USD) mỗi megawatt giờ (MWh), biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2.
Giá năng lượng đắt đỏ sẽ là tình hình chung ở Đức trong tời gian tới. (Ảnh: Spiegel)
Tuy nhiên, giá năng lượng đã giảm trong những tuần gần đây do thời tiết mùa đông ấm áp bất thường ở một số vùng của châu Âu cùng với các yếu tố khác.
Vào ngày 2/1, chi phí của hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên tháng 12/2022 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã giảm xuống chỉ còn hơn 73 Euro/MWh (78 USD) tính theo hộ gia đình, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 2/2022.
Tuy nhiên, bất chấp đà giảm hiện tại, giá gas vẫn cao hơn nhiều lần so với mức trung bình dài hạn. Trong giai đoạn 2017 - 2019, trước đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, giá gas giao ngay của TTF giao dịch chỉ trong khoảng từ 10 - 25 Euro/MWh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!