Thỏa thuận được ký bên lề Hội nghị An ninh Munich 2024 đang diễn ra tại bang Bayern (Đức), giữa Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Ukraine Alexander Kamyshin và Giám đốc điều hành Rheinmetall, ông Armin Papperger.
Phát biểu sau lễ ký, ông Papperger cho biết tập đoàn Rheinmetall sẽ nắm giữ 51% liên doanh, còn đối tác Ukraine nắm giữ 49%. Vì lý do an ninh nên tên của công ty đối tác và kế hoạch, địa điểm sản xuất chưa được tiết lộ.
"(Liên doanh) sẽ sản xuất hàng trăm nghìn quả đạn pháo 155 mm/năm, bao gồm cả ngòi nổ mồi", Rheinmetall thông báo trên nền tảng X.
Liên doanh được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường đáng kể nguồn lực quốc phòng cho Ukraine cũng như tăng cường an ninh cho châu Âu.
Đáng chú ý, đây là liên doanh thứ hai của Rheinmetall tại Ukraine, sau liên doanh đầu tiên được ký kết tháng 10/2023 với công ty nhà nước UDI để sửa chữa các phương tiện quân sự, bước đầu tiên cho việc sản xuất quốc phòng.
Theo một số nguồn tin, hôm 12/2 vừa qua, Đức khởi công xây dựng một nhà máy sản xuất đạn pháo tại khu phức hợp công nghiệp của Rheinmetall ở thị trấn Unterluss, bang Niedersachsen, với sự tham dự của Thủ tướng Olaf Scholz. Nhà máy này đặt mục tiêu từ năm 2025 sẽ bắt đầu sản xuất đạn pháo 155 mm theo tiêu chuẩn NATO, có thể sử dụng trong nhiều hệ thống pháo binh, với sản lượng cao nhất là 200.000 đơn vị/năm.
Với nhiều nhà máy đặt khắp châu Âu, Rheinmetall muốn sản xuất tới 700.000 quả đạn pháo/năm vào năm 2025, tăng từ mức 400.000 - 500.000 trong năm nay và 70.000 trước khi Nga đưa quân vào Ukraine.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell, trước đó kỳ vọng EU sẽ cung cấp cho Ukraine 1,155 triệu viên đạn pháo vào cuối năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!