Thế giới đang chịu tác động của El Nino, hiện tượng thời tiết đặc thù thường xuất hiện 3 - 4 năm một lần, khiến cho mặt biển Thái Bình Dương gần khu vực xích đạo trung tâm ấm lên. Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) tính toán rằng có tới 90% khả năng đợt El Nino này sẽ kéo dài sang đầu năm 2024. Như vậy thế giới sẽ phải sống chung với hiện tượng thời tiết này trong nhiều tháng nữa.
El Nino có các tác động mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống của con người, trong đó kinh tế cũng là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề.
El Nino làm tăng giá các mặt hàng nông sản trên toàn cầu
Một trong những lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất từ hiện tượng El Nino là nông nghiệp và các mặt hàng nông sản. Các thống kê cho thấy bất cứ năm nào xảy ra El Nino, các mặt hàng nông sản đều tăng giá đáng kể. El Nino được xem góp phần gây ra hiện tượng nắng nóng cực đoan xảy ra ở cả bốn châu lục là Á, Âu, Mỹ, Phi, trong khi đồng thời cũng gây ra mưa nhiều và lũ lụt tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Những yếu tố thời tiết bất định đặc biệt gây hại cho hoạt động canh tác nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Tác động của El Nino có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, tuy nhiên về cơ bản nó gây ra hai hiện tượng chính là nắng nóng cực đoan và hạn hán ở khu vực này, và mưa lũ ở khu vực khác. Cả hai hiện tượng này đều có tác động mang tính tàn phá đối với nông nghiệp. Các khu vực bị khô hạn còn chứng kiến tình trạng bùng phát dịch bệnh, bao gồm bệnh lây truyền từ động vật sang người và các bệnh truyền qua thực phẩm, cũng như dịch hại thực vật và cháy rừng.
El Nino gây hạn hán diện rộng. Nguồn: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Một ví dụ điển hình của tác động El Nino lên ngành nông nghiệp là Ấn Độ. Theo DownToEarth, tính đến giữa tháng 7 năm nay, 38% các quận Ấn Độ chứng kiến lượng mưa thấp hơn so với bình quân hàng năm, trong đó 16% rơi vào cảnh hạn hán nghiêm trọng. Hạn hán đã gây thiệt hại 2 triệu héc-ta cây trồng thường được thu hoạch vào mùa mưa. Trong khi một phần ba diện tích lãnh thổ của quốc gia rộng lớn này chịu cảnh thiếu nước và hạn hán, thì khu vực miền Bắc, bao gồm các bang và thành phố Himachal Pradesh, Punjab, Chandigarh, Uttarakhand, Jammu và Kashmir, Haryana, Rajathan, Delhi, lại chịu cảnh lụt lội kéo dài trong suốt tháng 7 và đầu tháng 8. Các diễn biến thời tiết cực đoan đã đẩy giá của hàng loạt mặt hàng nông sản tại Ấn Đô, trong đó nổi bật là cà chua và gạo tăng vọt. Giá cà chua tại Ấn Độ có thời điểm từng tăng đến 500% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, sản lượng gạo tại Ấn Độ không ổn định, dẫn tới giá gạo tăng 15% tính đến cuối tháng 7/2023, buộc chính phủ nước này phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati vào ngày 20/7.
Ấn Độ cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo từ ngày 20/7. Nguồn ảnh: The Economic Times
Không chỉ Ấn Độ, Indonesia cũng dự báo tình trạng thời tiết cực đoan gây ra bởi El Nino sẽ đẩy sản lượng café của nước này xuống mức thấp nhất trong vòng 1 thập niên. Lượng mưa lớn trong tháng 4 và tháng 5 được tiếp nối bởi tình trạng hạn hán trong các tháng sau đó đã khiến sản lượng café tại nước này giảm tới 20%. Indonesia là nhà sản xuất café lớn thứ 4 thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ 12 với doanh thu đạt 902 triệu USD vào năm 2021. Sản lượng café thấp tại Indonesia được dự báo sẽ làm tăng giá mặt hàng café trên toàn cầu. Giá café robusta hợp đồng tương lai hiện đã đứng ở mức cao nhất trong vòng 1 thập niên trở lại đây.
Sản lượng café Indonesia giảm mạnh nhất trong 1 thập niên. Nguồn ảnh: USAID
Cho đến nay, các mặt hàng nông sản đã chứng kiến sự biến động lớn về giá trong thời gian xảy ra El Nino năm 2023 là gạo, café, cacao, chocolate, cà chua và sắp tới có thể là lúa mỳ. Australia, một trong những nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, chiếm tới 13% lượng lúa mỳ xuất khẩu toàn cầu, cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng từ hiện tượng El Nino. Trong các đợt El Nino trước đây, sản lượng lúa mỳ của Austria đều giảm sâu, đặc biệt có tới 4 đợt giảm trên 30% và 1 đợt giảm gần 50%.
Tác động đến ngành du lịch
Hiện chưa có thống kê nào cho thấy El Nino làm giảm nhu cầu du lịch toàn cầu, nhưng theo CNN, tình trạng lũ lụt, nắng nóng cực đoan xảy ra trên diện rộng và kéo dài cuối cùng sẽ gây ra những tác động có thể tính toán được. Hiệu suất của ngành du lịch cũng giảm khi ngày càng có nhiều chuyến bay bị hoãn và hủy vào mùa mưa. Sự sụt giảm này không đồng đều và sẽ gắn kèm với hiện tượng chuyển hướng điểm đến du lịch, theo đó những quốc gia chịu cảnh nắng nóng sẽ không còn là điểm đến yêu thích, ngược lại những vùng đất có khí hậu mát mẻ sẽ trở thành các điểm đến có sức hấp dẫn lớn hơn.
Các nhà nghiên cứu châu Âu dự báo khu vực Nam Âu như Italy, Tây Ban Nha, vốn nằm trong số những điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới, sẽ trở nên kém hấp dẫn vào mùa Hè do nắng nóng kỷ lục, thường xuyên vượt quá 40 độ C, ngược lại các khu vực Bắc và Trung Âu sẽ nổi lên thay thế.
Bãi biển ở Italy. Nguồn ảnh: Travel+Leisure
Theo giáo sư Ulrich Reinhardt, thuộc Tổ chức Nghiên cứu Tương lai ở Hamburg, Đức, du lịch ở các vùng núi nơi có nhiều cây cối sẽ trở thành một xu hướng lớn trong vòng 20 năm tới, trong khi lượng khách du lịch tới các bãi biển đầy nắng sẽ sụt giảm.
Tác động mang tính tàn phá với cơ sở hạ tầng
Điều cuối cùng, và cũng dễ thấy nhất, El Nino khiến mặt biển ấm hơn và do vậy cũng sẽ làm sinh ra nhiều cơn bão hơn và những cơn bão này cũng có sức tàn phá lớn hơn. Các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học bang Colorado dự báo nước Mỹ sẽ phải hứng chịu 18 cơn bão đủ mạnh để được đặt tên trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, nhiều hơn 4 so với trung bình hàng năm, trong đó sẽ có 4 cơn siêu bão với tốc độ gió từ 179 km/giờ trở lên. Những cơn bão mạnh thường có tác động tàn phá đến các thành phố chạy dọc bờ biển, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng cũng như sinh mạng con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!