Đây là nỗ lực mới nhất của EC nhằm tạo lòng tin trong công dân của khối về dữ liệu của họ an toàn.
Theo quy định mới, các công ty Mỹ tham gia khung pháp lý này sẽ phải xóa dữ liệu cá nhân của công dân EU khi các dữ liệu này không cần thiết. Cơ chế này sẽ được áp dụng với 27 nước thành viên của EU.
Phía EC cho biết, thông báo trên được đưa ra sau khi Mỹ cập nhật các quy tắc về việc thu thập các luồng dữ liệu quốc tế để bảo vệ thông tin cho những người sinh sống ở EU.
Các nhóm đại diện cho những công ty công nghệ có mô hình kinh doanh phụ thuộc nhiều vào trao đổi dữ liệu xuyên Đại Tây Dương ngay lập tức đã hoan nghênh khung pháp lý về quyền riêng tư dữ liệu giữa EU và Mỹ.
Ngày 25/3, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã công bố một thỏa thuận sơ bộ về di chuyển dữ liệu vào nhằm tìm kiếm giải pháp kết thúc rắc rối về pháp lý tại châu Âu của hàng nghìn công ty công nghệ Mỹ. Trước đó, Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu (CJEU) đã ra phán quyết bác bỏ hai thỏa thuận về vấn đề này do lo ngại về khả năng bảo vệ dữ liệu của châu Âu tại Mỹ.
Tại buổi họp báo chung tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, thỏa thuận sơ bộ đã tính đến lo ngại của phía CJEU và bao gồm các điều khoản mạnh hơn về bảo vệ dữ liệu.
Ông Biden cho biết: "Ngày hôm nay, chúng tôi đã đồng thuận các điều khoản chưa có tiền lệ về bảo vệ quyền riêng tư và an ninh dữ liệu cho công dân".
Bà von der Leyen phát biểu: "Tôi rất vui rằng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc cho một khung pháp lý mới trong vấn đề trung chuyển dữ liệu xuyên Đại Tây Dương. (Thỏa thuận này) sẽ cho phép dữ liệu di chuyển ổn định và đáng tin cậy giữa EU và Mỹ, trong khi vẫn bảo vệ quyền riêng tư và tự do dân sự".
Một quan chức EU cho biết sẽ mất nhiều tháng để biến thỏa thuận sơ bộ thành một hiệp ước pháp lý hoàn chỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!