Sự lựa chọn giữa một bên là cắt giảm khí thải và một bên là duy trì sức cạnh tranh của ngành sản xuất ô tô là điều không hề dễ dàng. Ở một quốc gia đã khó, ở tầm khu vực lại càng khó hơn.
Sau hơn 13 giờ tranh luận căng thẳng, các Bộ trưởng môi trường của EU cuối cùng đã nhất trí về mức cắt giảm khí thải áp dụng với các hãng và nhà sản xuất ô tô trong khu vực. Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí mục tiêu giảm 35% lượng khí thải CO2 đối với xe ô tô mới đến năm 2030 và 30% đối với xe tải.
Mức này cao hơn mục tiêu 30% do Ủy ban châu Âu đề xuất, song vẫn dưới mức 40% mà Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua tuần trước. Những chi tiết cuối cùng của thỏa thuận sẽ tiếp tục được đưa ra đàm phán với Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu vào ngày hôm nay (11/10).
Ngay lập tức, thỏa thuận trên đã vấp phải sự phản đối của ngành sản xuất ô tô Đức, nhà sản xuất lớn trong khu vực. Những ý kiến chỉ trích cho rằng phần lớn các nước EU đã không nỗ lực cân bằng giữa bảo vệ môi trường và bảo vệ việc làm. Ngoài ra, giới lập pháp cũng không hiểu rõ áp lực tài chính của các hãng ô tô trong việc xây dựng mạng lưới sạc năng lượng cho các xe chạy điện nhằm đáp ứng mục tiêu phổ biến xe điện ít ô nhiễm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại lên tiếng ủng hộ thỏa thuận này. "Tôi thấy thỏa thuận này là chấp nhận được. Chúng ta nhất trí cắt 35% khí thải CO2 vào năm 2030 nhưng đồng thời chúng ta cũng có những điều kiện quan trọng kèm theo. Một trong số đó là sẽ có điều khoản sửa đổi vào năm 2023. Câu hỏi về việc cắt giảm bao nhiêu khí thải CO2 sẽ phụ thuộc vào sự thành công của thị trường xe điện hoặc những loại xe thay thế khác" - Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
EU để ngỏ khả năng sẽ điều chỉnh lại mục tiêu cắt giảm 35% khí thải CO2 nếu mục tiêu này được chứng minh là quá tham vọng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!