Tài liệu được công bố trên trang web của Nghị viện châu Âu nhấn mạnh rằng việc cung cấp dịch vụ tài chính hoặc dịch vụ tư vấn pháp lý vi phạm các biện pháp hạn chế của EU cũng sẽ trở thành một hành vi phạm tội bị trừng phạt.
Tài liệu viết: "Luật mới đặt ra các định nghĩa nhất quán cho các hành vi vi phạm, bao gồm không đóng băng quỹ, không tôn trọng lệnh cấm đi lại hoặc cấm vận vũ khí, chuyển tiền cho những cá nhân bị trừng phạt hoặc kinh doanh với các thực thể nhà nước của các quốc gia bị trừng phạt".
Theo chỉ thị, các tòa án trên toàn EU sẽ có nghĩa vụ kết án các cá nhân với mức án tù lên tới 5 năm và đưa ra các khoản tiền phạt "có tính răn đe" đối với các công ty vi phạm hoặc lách lệnh trừng phạt. Quốc hội các nước này cam kết đưa ra một định nghĩa chung và mức hình phạt tối thiểu đối với những hành vi vi phạm.
Brussels đã thông qua gói trừng phạt Nga thứ 13 vào tháng 2, trước dịp kỷ niệm 2 năm ngày bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các biện pháp trừng phạt mới hạn chế buôn bán hàng hóa có công dụng kép, cũng như các công nghệ và linh kiện điện tử có thể được tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga sử dụng. Các hình phạt được đưa ra trước đó nhắm vào một loạt lĩnh vực, bao gồm cấm vận thương mại, cấm đi lại và các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với doanh nhân và quan chức Nga.
Các nước phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản thuộc về Ngân hàng trung ương Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Brussels hiện đang tìm cách thu giữ tiền lãi thu được từ tài sản được giữ tại cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear, vì một số quốc gia vẫn bị chia rẽ về việc tịch thu tài sản bị phong tỏa để hỗ trợ Ukraine.
Moscow cho biết Nga sẽ đáp trả tương xứng nếu phương Tây đe dọa tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa ở nước ngoài. Bộ Tài chính Nga hồi tháng 2 đã cảnh báo rằng bản thân các quốc gia phương Tây vẫn nắm giữ cổ phần ở Nga và có thể gặp nguy hiểm nếu số tiền bị đóng băng bị khai thác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!