Chính quyền quân sự kiểm soát Niger từ ngày 26/7. (Ảnh: AP)
Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua những lệnh trừng phạt các thành viên của chính quyền quân sự ở Niger, những người mà cơ quan này cho rằng làm suy yếu sự ổn định và dân chủ của Niamey, đồng thời gây ra mối đe dọa cho hòa bình và an ninh trong khu vực.
Hội đồng EU cho biết trong một tuyên bố hôm 23/10: "Các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm đóng góp hữu hình trong việc hỗ trợ các nỗ lực của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), qua đó nhanh chóng lập lại trật tự hiến pháp ở Niger".
Các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra của EU bao gồm phong tỏa tài sản và cấm cấp vốn cho các cá nhân và tổ chức, cũng như thực hiện lệnh cấm đi lại.
Lực lượng quân đội Niger, nắm quyền kiểm soát quốc gia Tây Phi này từ ngày 26/7, đã bất chấp yêu cầu của khu vực và quốc tế nhằm khôi phục quyền điều hành của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, khiến ECOWAS phải ra lệnh triển khai lực lượng dự phòng.
Hiện tại, một số quốc gia thành viên của EU, bao gồm cả Đức và Pháp, đã đình chỉ viện trợ phát triển cho Niamey để đáp trả cuộc đảo chính. Berlin tuyên bố vào tháng 8 rằng nước này ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU đối với giới cầm quyền quân sự Niger để thuyết phục họ trao lại quyền lực và khôi phục trật tự hiến pháp.
Đức ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính Niger. (Ảnh: BNN)
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell đã nhắc lại việc EU bác bỏ cuộc đảo chính ở Niger bằng "những điều khoản mạnh mẽ nhất".
Ông Borrell nói: "Với quyết định ngày hôm nay, EU tăng cường hỗ trợ các nỗ lực của ECOWAS và gửi một thông điệp rõ ràng: Các cuộc đảo chính quân sự phải trả giá".
Bất chấp cam kết trừng phạt của EU và tuyên bố rằng khối này góp phần vào nỗ lực của ECOWAS theo cách này, đại diện của các chính phủ châu Phi, bao gồm cả Niger, đã từ chối sự can thiệp của nước ngoài khi hội đàm tại diễn đàn hòa bình và an ninh được tổ chức ở thủ đô Lome của Togo vào cuối tuần qua.
Những người tham gia diễn đàn do Liên minh châu Phi tài trợ, cùng với sự tham dự của các đại diện từ khối ECOWAS và Liên hợp quốc, nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp địa phương đối với các cuộc khủng hoảng chính trị do các cuộc đảo chính gây ra trên lục địa này. Mặc dù ECOWAS đã đe dọa can thiệp quân sự vào Niger nhưng họ khẳng định muốn giải quyết mọi việc bằng biện pháp ngoại giao.
Trong khi đó, Mỹ, vốn chỉ coi việc tiếp quản Niamey vào tháng 7 là một "cuộc đảo chính" trong tháng 7, cho biết, nước này sẽ xây dựng mối quan hệ "thực chất" với chính quyền quân sự mới. Judd Devermont, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Joe Biden về chính sách châu Phi, nói với tờ Financial Times hôm 22/10 rằng Mỹ cần tăng cường các mối quan hệ của mình tại lục địa này.
Không giống như Pháp, quốc gia buộc phải cắt đứt quan hệ với Niger và rút quân khỏi thuộc địa cũ của mình, Mỹ vẫn duy trì đội ngũ gồm 1.000 binh sĩ ở nước này, bất chấp việc đình chỉ viện trợ nước ngoài khoảng 200 triệu USD cho Niger.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!