G7 ứng phó với những thách thức toàn cầu

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 09/05/2021 11:50 GMT+7

VTV.vn - Giữa làn sóng mới của dịch bệnh đe dọa nhiều quốc gia, những thông điệp từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 luôn được dõi theo.

Không một vấn đề địa chính trị nào là không được đề cập, không bỏ sót các vấn đề toàn cầu lớn. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 là sự kiện đối ngoại quốc tế hiếm hoi được tổ chức trực tiếp kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cách đây hơn 1 năm.

Giữa làn sóng mới của dịch bệnh đang đe dọa nhiều quốc gia, những thông điệp từ hội nghị này được dõi theo, với hy vọng sẽ có những cam kết lớn hơn trong cuộc chiến chống dịch bệnh cũng như công cuộc đối phó với các thách thức toàn cầu khác.

G7 ứng phó với những thách thức toàn cầu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao của các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 (Ảnh: VCG)

Mặc dù đã có những cam kết tích cực về giải pháp chung đối phó với dịch bệnh hay vấn đề biến đổi khí hậu nhưng nhiệt độ của các cuộc đối thoại lại đem đến đôi chút lo lắng là cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang có dấu hiệu gia tăng. Điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro trong các mối quan hệ quốc tế.

Tuyên bố chung G7

Kết thúc cuộc họp trực tiếp đầu tiên sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, Ngoại trưởng các nước G7 đã ra tuyên bố chung với sự nhất trí cao trong nhiều vấn đề, đặc biệt là về ứng phó dịch COVID-19, với cam kết của các nước G7 về mở rộng quá trình sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 với mức giá chấp nhận được.

Ngoài đại dịch COVID-19, tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng G7 cũng hướng sự chú ý vào một số vấn đề mà G7 coi là thách thức hiện nay, đó là chương trình hạt nhân Triều Tiên, quan hệ với Nga, Trung Quốc, cuộc khủng hoảng Syria, nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, ứng phó biến đổi khí hậu, ngăn chặn nạn đói.

Về vấn đề Triều Tiên, các Ngoại trưởng đề nghị Triều Tiên quay trở lại đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Cơ sở của tuyên bố này dựa trên chính sách mới về Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính sách ngoại giao "không mặc cả", gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Về tình hình Syria, G7 cũng tái khẳng định cam kết của nhóm này trong việc hỗ trợ một giải pháp chính trị tại Syria cũng như cơ chế viện trợ xuyên biên giới của Liên hợp quốc (LHQ). Cam kết nhấn mạnh, các nước thành viên G7 sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ trên tất cả các phương diện nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị tại Syria để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Được thành lập vào năm 1975, nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, là một diễn đàn để các cường quốc thảo luận các chủ đề khủng hoảng. Hội nghị năm nay đánh dấu sự trở lại của Mỹ sau một thời giani từ bỏ vai trò dẫn dắt trong các vấn đề toàn cầu. Sự trở lại của Mỹ gửi đi thông điệp, Washington đã chấm dứt 4 năm biệt lập, từ bỏ các cam kết quốc tế và tạo ra quá nhiều mâu thuẫn với các đồng minh trước đây.

Nhưng sự trở lại của Mỹ trong mối quan hệ với các đồng minh cũng báo hiệu sự tập hợp lực lượng để đối phó với những đối thủ mà họ coi là nguy cơ hàng đầu là Nga và Trung Quốc. Cuộc đọ sức chiến lược giữa các cường quốc báo hiệu sẽ ngày càng căng thẳng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mỹ nhấn mạnh sự trở lại trên các diễn đoàn toàn cầu

Hội nghị G7 vừa diễn ra có thể coi là một phần trong các bước đi nhằm cài đặt lại quan hệ của Mỹ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Ông Donald Trump khi nắm quyền chủ trương xem xét, đàm phán lại quan hệ với một loạt các đồng minh, đối tác quan trọng như NATO, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước láng giềng như Canada, Mexico… đã yêu cầu các đối tác này đóng góp, chia sẻ nghĩa vụ nhiều hơn. Còn chính quyền ông Joe Biden cho rằng, cách tiếp cận đó đã làm suy yếu vị trí của nước Mỹ nên đã chủ trương cải thiện các mối quan hệ này.

Ông Joe Biden đã chủ trương can dự trở lại các công việc của thế giới mà nhiệm trước ông Trump tẩy chay. Ông Donald Trump rút nước Mỹ khỏi Thoả thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Ông Biden đưa nước Mỹ quay lại ngay trong ngày đầu bước chân vào Nhà Trắng. Ông Biden cũng tìm cách cứu Thoả thuận hạt nhân với Iran rồi quay lại Tổ chức y tế thế giới, quay lại các thoả thuận kiểm soát vũ khí đa phương với Nga, tái cam kết với cá diễn đàn đa phương như G7 hay G20…

Tựu chung, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump với cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" được coi là một nước Mỹ mang màu sắc của chủ nghĩa bảo hộ. Còn Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nhấn mạnh khẩu hiệu "Nước Mỹ trở lại dẫn đầu", nhưng dẫn đầu bằng cách tăng cường tham gia vào các thể chế đa phương, đẩy mạnh hợp tác và hành động tập thể với các đồng minh và đối tác.

G7 gia tăng sức ép đối với Nga và Trung Quốc

Không phải là nước tham gia họp nhưng Nga và Trung Quốc là 2 cái tên được nhắc tới có thể nói là nhiều nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 năm nay. Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng G7 cáo buộc Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền và sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để gây sức ép với các nước khác. Còn Nga bị tố là có mưu đồ xấu, đe dọa các nền dân chủ và Ukraine.

G7 ứng phó với những thách thức toàn cầu - Ảnh 2.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab (Ảnh: AP)

"Nga, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, đang đi ngược lại các chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế. Cho dù đó là chiến dịch ở biên giới với Ukraine hay như các cuộc tấn công mạng và thông tin sai lệch" - Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab nhận định.

Mỹ vẫn chủ yếu tập trung công kích Trung Quốc. Từ G7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra thông điệp đa phương hóa và nói rằng, Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng quân sự, kinh tế và ngoại giao để làm suy yếu và thách thức trật tự thế giới hiện tại. Mỹ không có ý định ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc mà là để duy trì trật tự dựa trên quy luật lệ.

G7 ứng phó với những thách thức toàn cầu - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP)

"Chúng tôi không cố gắng kiềm chế Trung Quốc. Chúng tôi biết được rằng các quốc gia có mối quan hệ lợi ích với Trung Quốc. Chúng tôi không bắt phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng chúng tôi ủng hộ việc duy trì cái gọi là hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ mà Mỹ, Anh cùng nhiều nước khác đã duy trì" - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh.

Một tuyên bố vấp phải sự lên án gay gắt ngay lập tức từ Trung Quốc.

G7 ứng phó với những thách thức toàn cầu - Ảnh 4.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Ảnh: Reuters)

"G7 đã công khai can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà không dựa trên bất kỳ cơ sở thực tế nào cho những cáo buộc của họ. G7, với tư cách là một nhóm các nước phát triển, nên làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu thay vì à tạo ra đối đầu và chia rẽ để làm xáo trộn sự phục hồi" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết.

Mặc dù tuyên bố chung của G7 không đề cập hành động cụ thể nhưng nó vẫn khiến mối quan hệ giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây thêm căng thẳng. G7 cho rằng Nga và Trung Quốc đang hành động ngày càng quyết liệt hơn trong nhiều vấn đề quốc tế và trên thực tế đang tiến hành chiến tranh thông tin chống lại phương Tây, tạo ảnh hưởng và gây tác động đến các tiến trình dân chủ tại phương Tây.

Đang có những ý kiến cho rằng, nhóm G7, mà hai nước Mỹ và Anh quyết liệt nhất, muốn kêu gọi các nước lập thành một liên minh nhằm chống lại ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Phía Mỹ đã nhắc tới ý định muốn tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ trong vài tháng tới để tập hợp các nước được cho là có chung chí hướng đối trọng với Trung Quốc và Nga. Ưu tiên sẽ là các nước đến từ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi đang và sẽ là sân khấu chính của chính trị thế giới trong nhiều thập kỷ tới.

G7 trong cuộc chiến chống COVID-19

Đã có những tiến triển sau cuộc họp của G7. Nhóm G7 cam kết sẽ mở rộng quá trình sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 với mức giá chấp nhận được.

Hiện trong số các loại vaccine được sử dụng rộng rãi trên thế giới thì có đến 4 loại được sản xuất tại các nước G7 như Pfizer và Biontech (Đức), Moderna, Johnson and Johnson (Mỹ), Astra Zeneca của Anh. Chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19 đang thiếu 19 tỷ USD để chi hoạt động trong năm 2021 và cần thêm khoảng 40 tỷ USD cho năm 2022 nhằm mục tiêu tiêm vaccine cho hầu hết người trưởng thành trên thế giới.

Theo Liên hợp quốc, G7 hoàn toàn có khả năng tài trợ 70% tổng số chi phí nêu trên và việc nhóm các nước giàu chia sẻ trách nhiệm có thể tạo ra bước ngoặt trong nỗ lực đưa vaccine tới người dân toàn cầu.

Đặc biệt, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ bỏ bản quyền đối với vaccine COVID-19. Mỹ thông báo rằng nước này sẽ bắt đầu đàm phán với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để nới lỏng các quy định về bằng sáng chế vốn mang lại lợi ích nhiều nhất.

G7 ứng phó với những thách thức toàn cầu - Ảnh 5.

Vaccine ngừa COVID-19 đang được đẩy mạnh sản xuất để ứng phó với đại dịch

Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. Đức - quê hương của công ty phát triển vaccine hàng đầu là BioNTech - đã lên tiếng phản đối lời kêu gọi từ Mỹ. Một phát ngôn viên của chính phủ nước này cho rằng, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là động lực của sự đổi mới và điều này phải được duy trì trong tương lai.

Ủy Ban Châu Âu thì có phản ứng dè dặt. Không tuyên bố ủng hộ mà chỉ "sẵn sàng thảo luận" đề xuất của Mỹ.

Các tổ chức vận động, trong đó có Liên Đoàn Công Nghiệp Dược Phẩm Quốc Tế, kiên quyết phản đối ý tưởng từ bỏ bản quyền trí tuệ, điều mà họ cho rằng sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn và sẽ làm suy yếu sự động lực phát triển của các loại thuốc tiên tiến.

Cuộc tranh đấu để có vaccine cho tất cả mọi người còn là chặng đường nhiều gian nạn. Nhưng ý tưởng mà Mỹ khởi xướng, từ bỏ bản quyền vaccine cũng đem đến nhiều hy vọng cho cuộc chiến chống lại đại dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước