Báo cáo do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Nhóm ngân hàng phát triển châu Phi phối hợp thực hiện. Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi Akinwumi Adesina nêu rõ, việc nhiều người chưa thể tiếp cận với phương pháp nấu ăn hợp vệ sinh sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, kéo dài nạn phá rừng và làm tăng lượng khí thải nhà kính.
Báo cáo tính toán, thế giới cần ít nhất 8 tỷ USD mỗi năm để đảm bảo mọi hộ gia đình trên toàn thế giới đều được tiếp cận với bếp ăn sạch vào năm 2030. IEA và Nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi cho rằng, khoản đầu tư này chưa bằng 1% so với số tiền mà các chính phủ đã chi vào năm ngoái để trợ giá nhiên liệu.
Theo báo cáo, việc người dân thu nhặt gỗ và than củi để nấu ăn dẫn đến diện tích rừng bị mất mỗi năm tương đương với diện tích của Ireland. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với khói từ khói than, củi, than đá, chất thải nông nghiệp và phân động vật được đốt gây ra 3,7 triệu ca tử vong sớm và đây được xem là nguyên nhân gây số người tử vong sớm nhiều thứ ba trên toàn cầu.
Theo báo cáo, kể từ năm 2010, số người không được tiếp cận với phương pháp nấu ăn sạch tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đã giảm 50%, song thực trạng này lại tồi tệ hơn ở châu Phi trong khi các chính sách hiện tại bị cho là sẽ không giải quyết được vấn đề này trong 3 thập kỷ tới.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, việc giải quyết vấn đề tiếp cận với nấu ăn sạch không đòi hỏi phải có một bước đột phá về công nghệ, mà việc này xuất phát từ ý chí chính trị của các chính phủ, ngân hàng phát triển và các tổ chức khác vốn đang tìm cách xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng giới.
Trong khi đó, theo công bố tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về hệ thống lương thực đang diễn ra tại Thủ đô Rome của Italy, với thông điệp "Cần chuyển đổi hệ thống lương thực toàn cầu", thế giới hiện có hơn 780 triệu người trong tình trạng thiếu lương thực trong khi gần 1/3 lương thực toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí.
Theo Liên hợp quốc, các hoạt động không bền vững trong sản xuất, đóng gói và tiêu thụ thực phẩm cũng đang thúc đẩy biến đổi khí hậu do các hoạt động này chiếm 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính, tiêu hao 70% lượng nước ngọt của thế giới và làm mất đa dạng sinh học ở quy mô lớn.
Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu cần 400 tỷ USD/năm nhưng nếu không hành động sẽ tổn thất gấp 30 lần, tức là 12 nghìn tỷ USD/năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!