Gần 2.000 trẻ em tử vong mỗi ngày do ô nhiễm không khí

Lan Chi (Theo The Guardian)-Thứ năm, ngày 20/06/2024 16:54 GMT+7

(Ảnh minh họa: AFP/Getty Images)

VTV.vn - Gần 2.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày do các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí như tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu các tác động sức khỏe của Mỹ, năm 2021 có hơn 8 triệu ca tử vong ở trẻ em và người lớn do ô nhiễm không khí. Đáng chú ý, báo cáo nhấn mạnh trẻ nhỏ đặc biệt dễ chịu tác động của ô nhiễm không khí khi đây là một phần nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi.

Không khí ô nhiễm là yếu tố gây tử vong lớn thứ hai trên toàn thế giới, vượt qua việc sử dụng thuốc lá và chỉ đứng sau huyết áp cao. Với trẻ em dưới 5 tuổi, ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ gây tử vong chỉ xếp sau suy dinh dưỡng. Nghiên cứu nói trên cũng chỉ ra trẻ em ở các nước nghèo đang phải chịu một số tác động tồi tệ nhất, với tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ở trẻ em dưới 12 tuổi tại châu Phi cao gấp 5 lần so với các nước có thu nhập cao.

Bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra hơn 90% số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Chúng có thể xâm nhập vào máu và ảnh hưởng đến các cơ quan trên khắp cơ thể, là tác nhân gây bệnh phổi, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, mất trí nhớ và sảy thai.

Theo kết quả nghiên cứu, tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu cũng làm chất lượng không khí ngày càng tồi tệ. Nghiên cứu cho thấy "khi hạn hán trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn, đồng thời đất đai ngày càng khô cằn hơn, cháy rừng tàn phá những khu rừng từng phát triển mạnh và bão bụi ảnh hưởng đến vùng đồng bằng rộng lớn khiến không khí tràn ngập các hạt tồn tại trong thời gian dài".

Nhiệt độ cao hơn vào mùa hè cũng có thể làm trầm trọng thêm tác động của các chất gây ô nhiễm trong không khí như oxit nitơ, ở nhiệt độ cao có thể dễ dàng biến thành ozone - một loại khí gây kích ứng khi hít vào. Việc tiếp xúc lâu dài với ozone đã góp phần gây ra gần nửa triệu ca tử vong vào năm 2021.

Khoảng nửa triệu ca tử vong ở trẻ em vào năm 2021 có liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà, chủ yếu do nấu ăn bằng nhiên liệu bẩn như than, gỗ hoặc phân khô. Việc chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn, chẳng hạn như bếp năng lượng mặt trời, có thể giảm đáng kể lượng bụi mịn PM2.5 cũng như lượng khí thải CO2.

Khoảng 2,3 tỉ người trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu nấu ăn sạch. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính cần khoảng 4 tỉ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 để giải quyết vấn đề chỉ riêng ở châu Phi cận Sahara. Tháng 5/2024, họ đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu nhằm huy động 2,2 tỉ USD cho các dự án giúp người dân trên khắp lục địa chuyển sang các nhiên liệu sạch hơn.

Theo Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vấn đề này cần được coi là ưu tiên toàn cầu của các chính phủ vì nó có tác động đến sức khỏe, khí hậu và nền kinh tế quốc gia cũng như bình đẳng giới vì phụ nữ và trẻ em gái thường được giao nhiệm vụ việc tìm củi để đun nấu hàng ngày. Ông nói: "Đây là một vấn đề đã bị bỏ qua quá lâu".

Các nghiên cứu trước đây cũng phát hiện ra rằng gần như mọi người đều hít phải không khí có mức độ ô nhiễm đáng lo ngại mỗi ngày và nửa triệu trẻ sơ sinh đã thiệt mạng mỗi năm do ô nhiễm không khí.

Đại diện của UNICEF, Kitty van der Heijden, cho rằng con số gần 2.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày do các tác động về sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí cho thấy sự thờ ơ của thế hệ ngày nay có thể gây ra những tác động sâu sắc thế nào đến thế hệ tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước