Nhiều học sinh tại vùng lũ ở miền Bắc Việt Nam đã mất hết sách vở và đồ đạc sau khi lũ lụt càn quét. (Ảnh: UNICEF)
Lũ lụt và lở đất do bão Yagi gây ra đã tàn phá Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan, ảnh hưởng đến gần 6 triệu trẻ em và làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và nơi trú ẩn của các em, đồng thời đẩy những cộng đồng vốn đã bị thiệt thòi vào sâu hơn trong khủng hoảng. Đây là báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) mới đưa ra.
Ông June Kunugi - Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF - cho biết: "Những trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương đang phải đối mặt với hậu quả tàn khốc nhất do sự tàn phá do bão Yagi để lại". "Ưu tiên trước mắt phải là khôi phục các dịch vụ thiết yếu, bao gồm nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe... Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở Đông Nam Á, ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đồng thời là lời nhắc nhở đáng buồn rằng 'trẻ em dễ bị tổn thương thường phải trả giá đắt nhất' khi thảm họa xảy ra", ông Kunugi nhấn mạnh.
Một em bé ở Thái Nguyên, Việt Nam được gia đình sơ tán đến nơi an toàn sau khi nhà của em bị ngập do bão Yagi. (Ảnh: UNICEF)
Là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào châu Á trong năm nay, bão Yagi đã mang theo những trận mưa xối xả ngoài lượng mưa theo mùa hiện có, khiến các con sông tràn bờ và gây ra những trận lở đất chết người. Sau cơn bão, hơn 850 trường học và hơn 550 trung tâm y tế tại Đông Nam Á đã bị hư hại, phần lớn là ở Việt Nam, với các đánh giá trong khu vực vẫn đang được tiến hành.
Tại Việt Nam, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Yagi, khoảng 3 triệu người, bao gồm nhiều trẻ em, không được tiếp cận với nước uống an toàn và vệ sinh, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Khoảng 2 triệu trẻ em cũng không được tiếp cận với giáo dục, hỗ trợ tâm lý xã hội và các chương trình cung cấp thực phẩm tại trường.
Tại Myanmar, gánh nặng kép của xung đột đang diễn ra và tác động thảm khốc của bão Yagi đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất tồi tệ. Hơn 170 người tử vong và hơn 320.000 người phải di dời đã được báo cáo, trong khi mạng lưới đường bộ, viễn thông và cơ sở hạ tầng điện bị thiệt hại nặng nề trên khắp miền Trung Myanmar.
Tại miền Bắc Thái Lan, mưa lớn và lũ lụt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến gần 64.000 trẻ em, với một số trường học báo cáo bị phá hủy hoàn toàn và giáo viên phải chuyển sang học trực tuyến và cung cấp tài liệu học tập cho học sinh tại nhà.
Tại Lào, lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề cho 8 tỉnh, ảnh hưởng đến khoảng 60.000 trẻ em, làm hư hại cơ sở hạ tầng quan trọng và đe dọa đến sinh kế của các cộng đồng vốn đã phải vật lộn để ứng phó với những tác động tiêu cực của khí hậu.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bão lũ. (Ảnh: AFP)
UNICEF hiện hợp tác cùng các đối tác nhân đạo, cung cấp cứu trợ khẩn cấp cho các trẻ em và gia đình ở các khu vực bị lũ lụt tàn phá trên khắp Đông Nam Á. Hoạt động này bao gồm phân phối nước uống an toàn, vật dụng vệ sinh, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và bộ dụng cụ y tế, đồng thời cung cấp hỗ trợ sức khỏe tâm thần và các vật dụng học tập và giải trí để giúp trẻ em cân bằng trở lại và tiếp tục học tập và vui chơi trong môi trường an toàn. UNICEF cũng cam kết hợp tác với các đối tác để đảm bảo các nỗ lực phục hồi cho trẻ em khi nước lũ rút.
Trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm về khí hậu và môi trường chồng chéo. Tần suất gia tăng và tác động phức tạp từ các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu làm xói mòn các chiến lược ứng phó đối với trẻ em, làm gia tăng bất bình đẳng và gây tổn hại đến tiềm năng phát triển của trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!