Gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc với nhiều thách thức mới tại Bắc Cực

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 25/07/2024 07:34 GMT+7

VTV.vn - Bắc Cực - vùng đất xa xôi - đã và đang trở thành địa bàn cạnh tranh mới giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng nhiều nước khác.

Trong bối cảnh xung đột địa chính trị toàn cầu vẫn chưa hạ nhiệt, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc cũng ngày càng diễn biến phức tạp.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược Bắc Cực năm 2024, trong đó thừa nhận những thay đổi về môi trường đang ảnh hưởng đến khu vực Bắc Cực, đồng thời nêu chi tiết những tác động đối với an ninh Mỹ và cách thức đối phó với những thách thức mới.

MỸ CÔNG BỐ CHIẾN LƯỢC BẮC CỰC MỚI

Chiến lược Bắc cực 2024 của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh giữa những thay đổi về địa chính trị và khí hậu, Bắc Cực đang trở thành khu vực đối đầu chiến lược với Washington.

Theo chiến lược, những thay đổi này bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, và tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Chiến lược nêu rõ khu vực ngày càng dễ tiếp cận này đang trở thành địa điểm cho sự cạnh tranh chiến lược và Mỹ phải sẵn sàng ứng phó với thách thức cùng với các đồng minh và đối tác.

Những thay đổi này báo hiệu một môi trường an ninh Bắc Cực mới và năng động hơn, có khả năng làm thay đổi sự ổn định và tạo ra những mối đe dọa mới.

Chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh việc tăng cường năng lực ở Bắc Cực, thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và đối tác, thực hiện các cuộc tập trận để nâng cao khả năng sẵn sàng cho các hoạt động.

Gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc với nhiều thách thức mới tại Bắc Cực - Ảnh 1.

Chiến lược cũng nhấn mạnh rằng Mỹ cần tăng cường sức mạnh và đầu tư vào việc chia sẻ thông tin và tình báo với các đồng minh nhằm cải thiện hiểu biết về môi trường hoạt động và tăng cường quản lý rủi ro. Lầu Năm Góc dự định hợp tác với các đồng minh và đối tác, cũng như chính quyền địa phương và ngành công nghiệp để cung cấp khả năng răn đe tích hợp và tăng cường an ninh chung.

Chiến lược Bắc Cực mới được Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng nhằm duy trì sự ổn định ở khu vực Bắc Cực - nơi Washington kỳ vọng sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia.

Chiến lược mới này chú trọng tăng cường năng lực ở Bắc Cực, tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời rèn luyện lực lượng để xây dựng khả năng sẵn sàng cho các hoạt động ở vĩ độ cao. Mỹ có thể sản xuất hơn 250 máy bay chiến đấu đa chức năng cho các hoạt động ở khu vực này vào năm 2030. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ dự định sử dụng các hệ thống cảnh báo và giám sát tên lửa đặt trên không gian mới để chống lại các mối đe dọa ở Bắc Cực.

Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh ở Bắc Cực, Mỹ đã đưa ra cách tiếp cận đa hướng gồm đầu tư thêm tàu phá băng, huấn luyện lực lượng, đầu tư vào các căn cứ trong khu vực và xây dựng công nghệ tiên tiến cho Bắc Cực.

Trong tháng này, Mỹ, Canada và Phần Lan sẽ thành lập một liên doanh để đóng tàu phá băng, nhằm tăng cường hoạt động đóng tàu của các nước đồng minh.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Chiến lược Bắc Cực mới này là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo rằng Bắc Cực vẫn ổn định và an toàn ở hiện tại và trong tương lai.

Từ một vùng đất có tính chất hoang mạc, khí hậu khắc nghiệt và rất ít người sinh sống nhưng ẩn chứa nhiều lợi ích về kinh tế, thương mại, quân sự và an ninh, Bắc Cực đã và đang trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.

Tám nước có sự hiện diện ở Bắc Cực - bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Mỹ và Nga - đều có lợi ích thương mại và an ninh tại đây. Thời gian gần đây, không phải vô cớ mà cả Nga và NATO đều tổ chức những cuộc tập trận lớn ở khu vực này, trong đó có tập trận chống tàu ngầm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang gia tăng ảnh hưởng.

Trung Quốc là quan sát viên chính thức của Hội đồng Bắc Cực từ năm 2013 và tự xác định là một quốc gia cận Bắc Cực. Bắc Kinh cũng đang nhanh chóng gia tăng lực lượng hải quân và nhất là có kế hoạch đóng tàu phá băng lớn nhất thế giới.

Bắc Cực đang ngày càng nóng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Do đó, điều này cũng dẫn tới sự gia tăng cạnh tranh của các cường quốc tại khu vực, đồng thời tạo ra nhiều thách thức.

Gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc với nhiều thách thức mới tại Bắc Cực - Ảnh 2.

BẮC CỰC VÀ SỰ CẠNH TRANH GIỮA CÁC CƯỜNG QUỐC

Bắc Cực đang ngày càng có ý nghĩa chiến lược với các nước, đặc biệt là về quân sự - nhận định từ trang Nikkei.

Trang báo cho biết việc băng biển tan chảy đang mở ra hai điểm nghẽn chiến lược của Bắc Cực - eo biển Bering giữa Alaska và Nga và biển Barents phía bắc Na Uy, khiến chúng dễ điều hướng hơn và có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự. Đây cũng là một trong các vấn đề mà Mỹ đề cập trong Chiến lược Bắc Cực 2024.

Cùng chung nhận định này, trang Newsweek trích dẫn đánh giá của chuyên gia Ed Arnold - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Royal United Services của Anh - cho rằng Bắc Cực ngày càng trở thành trung tâm cạnh tranh chiến lược khi tình trạng nóng lên toàn cầu làm gia tăng sự cạnh tranh về tài nguyên khi băng tan và các tuyến đường biển mới xuất hiện. Chuyên gia này cho biết khi căng thẳng toàn cầu gia tăng, ý tưởng về sự đặc biệt của Bắc Cực - rằng Bắc Cực không bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị - đang "bắt đầu lung lay".

Tờ Thời báo Hoàn cầu nhận định khí hậu, môi trường và hệ sinh thái của Bắc Cực là những thách thức mà tất cả các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Những thách thức toàn cầu sẽ không chậm lại hoặc suy yếu do các cuộc đấu tranh địa chính trị ở một số quốc gia.

Người phát ngôn Điện Kremlin khi bình luận về chiến lược của Mỹ đã chỉ trích những nội dung nêu ra trong tài liệu là không đúng chỗ và mang tính đối đầu - trích dẫn từ trang Al Jazeera. Đại diện Nga nhấn mạnh sự hợp tác của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác, khẳng định hoạt động của Nga trong khu vực nhằm mục đích tăng cường sự ổn định.

Với tiềm năng dồi dào, Bắc Cực đã và đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, khiến khu vực này ngày càng có xu hướng được "quốc tế hóa". Tất nhiên, điều đó cũng sẽ thúc đẩy cạnh tranh chiến lược tại đây, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh mà việc giải quyết nó có thể sẽ phải vượt qua những khuôn khổ ngoại giao.

Mỹ công bố chiến lược Bắc Cực 2024 Mỹ công bố chiến lược Bắc Cực 2024

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố Chiến lược Bắc Cực năm 2024, thừa nhận những thay đổi về môi trường đang ảnh hưởng đến khu vực Bắc Cực và những tác động đối với an ninh nước Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước