Giải mã những thông điệp cuối năm của Tổng thống Nga Putin

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 26/12/2021 09:08 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo thường niên ở Moskva ngày 23/12/2021 (Ảnh: THX/TTXVN)

VTV.vn - Ngày 23/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc họp báo lớn thường niên lần thứ 17 của ông tại trung tâm triển lãm Manezh ở thủ đô Moskva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga muốn tránh xung đột với Ukraine và phương Tây, nhưng Nga cần Mỹ và các đồng minh của Mỹ "ngay lập tức" đáp lại những yêu cầu của Nga về việc được đảm bảo an ninh, đồng thời ông cũng đề cao mối quan hệ của Nga với Trung Quốc. 

Ukraine hiện là tâm điểm trong căng thẳng Đông-Tây ngày càng gia tăng sau khi Mỹ và Kiev cáo buộc Nga đang có ý định thực hiện một cuộc tấn công mới nhằm vào nước láng giềng phía Nam - lời cáo buộc mà Moskva đã bác bỏ. Tổng thống Putin đã đối mặt với một loạt các câu hỏi về nguy cơ xảy ra xung đột với Ukraine trong cuộc họp báo "marathon" thường niên của ông kéo dài tới 4 giờ đồng hồ hôm 23/12.

Đằng sau những phát biểu mạnh mẽ

Căng thẳng liên quan tới Ukraine đã đẩy quan hệ của Nga với phương Tây xuống mức thấp nhất trong lịch sử kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ 30 năm trước. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đều cảnh báo rằng Putin sẽ phải đối mặt với "những hậu quả lớn", bao gồm cả các lệnh trừng phạt kinh tế, nếu Nga có bất kỳ động thái xâm lược nào.

Bất chấp những đe dọa và lời lẽ cứng rắn, nhà lãnh đạo Nga nói rằng phản ứng của Mỹ trước yêu cầu của Nga về những đảm bảo an ninh có sự ràng buộc về pháp lý nhằm xoa dịu tình thế bế tắc hiện nay là "tích cực", cho dù Washington vẫn chưa chính thức đáp lại những đề xuất của Moskva. Một quan chức của chính quyền Biden, yêu cầu giấu tên, khi trao đổi với các phóng viên đã nhiều lần khẳng định rằng Mỹ sẽ không đàm phán công khai và Washington sẽ có phản ứng đầy đủ với các đề xuất của Nga trong tháng 1 tới. Ông nói: "Tôi hy vọng chúng tôi sẽ có phản ứng thực chất trong các cuộc đàm phán sắp tới (có thể là vào tháng 1/2022).... rõ ràng là có một số đề xuất mà chúng tôi sẽ không bao giờ đồng ý". 

Như vậy, liệu có phải Nga thực sự không có ý định xâm lược nước láng giềng từng là một phần của Liên Xô cũ? Không hẳn là như vậy. Nếu Ukraine tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện nhằm vào Donbass, Moskva chắc chắn sẽ can thiệp để bảo vệ hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng là Donetsk và Lugansk. Nếu không làm như vậy, phương Tây sẽ hiểu việc Nga không có phản ứng mạnh mẽ nào là một dấu hiệu nữa cho thấy nước này đang suy yếu, và thậm chí Ukraine - được Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ - có thể sẽ tìm cách khôi phục chủ quyền của mình ở Crimea. Tuy nhiên, trong trường hợp Ukraine tấn công, Nga có thể sẽ triển khai chiến lược tương tự như chiến lược Nga đã áp dụng năm 2008 sau khi Gruzia tấn công khu vực ly khai của nước này là Nam Ossetia. Moskva khi đó đã can thiệp, trục xuất các lực lượng của Gruzia ra khỏi khu vực và công nhận nền độc lập không chỉ của Nam Ossetia mà còn cả của Abkhazia.

Do Ukraine có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế lớn hơn nhiều so với Gruzia, việc Nga hành động như vậy sẽ dẫn tới những lệnh trừng phạt nặng nề có khả năng gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nga. Nhằm ngăn chặn viễn cảnh đó, Điện Kremlin hiện đang yêu cầu "những đảm bảo an ninh" rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không mở rộng sang phía Đông và kết nạp thêm Ukraine. Trong cuộc họp báo, ông Putin đã nói: "Các ngài phải cho chúng tôi những đảm bảo, bây giờ và ngay lập tức".

Tuy nhiên, không rõ tại sao Điện Kremlin lại vội vàng như vậy. Hồi đầu tháng 10, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã viết một bài báo, trong đó ông nói rằng "Nga biết cách chờ đợi" và Moskva nên đợi cho đến khi "những nhân vật có đầu óc" lên nắm quyền ở Kiev thay thế ban lãnh đạo Ukraine hiện tại. Tuy nhiên, 2 tháng sau, Putin lại gây áp lực buộc Mỹ phải hứa rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Liên minh quân sự này đã loại trừ bất kỳ sự thỏa hiệp nào đối với "các nguyên tắc then chốt" của mình, điều đó có nghĩa là phương Tây gần như chắc chắn sẽ không cung cấp "những đảm bảo an ninh" mà Putin muốn.

Về phần mình, các quan chức Nga tuyên bố rằng họ có kế hoạch B trong trường hợp Mỹ và NATO không đáp lại những đề xuất của Moskva, tuy nhiên họ không cho biết Điện Kremlin sẽ hành động như thế nào. Điều này từng xảy ra hồi năm 2014, khi câu chuyện "thần thoại" về cái gọi là "kế hoạch xảo quyệt" của Putin được lan truyền. Trên thực tế, các hành động của Nga luôn có giới hạn, được tính toán và phối hợp cẩn thận với các đối tác phương Tây. Ngay cả bây giờ, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xung đột quy mô lớn giữa Nga và Ukraine do phương Tây hậu thuẫn, các quan chức quân sự Nga vẫn thường xuyên hội đàm với những người đồng cấp phương Tây. Mặc dù vậy, một cuộc tấn công tiềm tàng của Ukraine ở Donbass cũng không nằm ngoài khả năng. Trong bài phát biểu của mình, Putin nhấn mạnh: "Người ta có ấn tượng là một chiến dịch quân sự thứ 3 đang được chuẩn bị ở Ukraine và họ đang cảnh báo chúng ta - đừng can thiệp. Chúng ta bằng cách nào đó phải phản ứng lại". Thật vậy, Điện Kremlin sẽ phản ứng. Nhưng nhiều khả năng Moskva sẽ lại tiếp tục thực hiện các biện pháp nửa vời nhằm duy trì quyền kiểm soát trên thực tế đối với Donbass, đồng thời không làm rạn nứt quan hệ với phương Tây.

Mối quan hệ với Trung Quốc

Trái ngược với phản ứng gay gắt với Mỹ và NATO, Putin lại thể hiện tính cách mềm mỏng và cam kết kiên quyết trong việc giải quyết các vấn đề trong nước. Ông cũng đề cập đến Trung Quốc nhiều lần, nhấn mạnh rằng Nga và Trung Quốc tin tưởng lẫn nhau và sự hợp tác giữa hai bên là một yếu tố ổn định trên trường quốc tế. Trong cuộc họp báo thường niên, ông phát biểu: "Đó là mối quan hệ đối tác toàn diện hoàn toàn mang tính chiến lược chưa từng có trong lịch sử, ít nhất là giữa Nga và Trung Quốc. Mối quan hệ được chăm chỉ vun đắp hằng ngày này mang lại lợi ích cho người dân Trung Quốc và Nga và là một yếu tố thực sự ổn định trên trường quốc tế".

`Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh ông luôn phản đối việc chính trị hóa thể thao và cho rằng việc Mỹ "tẩy chay" Thế vận hội Bắc Kinh là nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Ông nói: "Quyết định này là quyết định sai lầm và không thể chấp nhận được. Tôi đã nói chuyện với một cựu tổng thống Mỹ và ông ấy nói với tôi rằng việc tẩy chay Thế vận hội ở Los Angeles và Moskva là một sai lầm lớn của Mỹ. Nhưng Mỹ vẫn tiếp tục lặp lại chính sai lầm đó. Lý do là gì? Đó là một nỗ lực để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc". 

Các chuyên gia Trung Quốc lưu ý rằng Tổng thống Putin đã đánh giá cao sự hợp tác của nước này với Trung Quốc trong cuộc họp báo của ông và cho phương Tây thấy mối quan hệ Trung Quốc và Nga bền vững như thế nào. Putin phát biểu: "Họ (Mỹ) không thể kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn nền kinh tế Mỹ nếu so sánh về sức mua. Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới về mọi mặt. Nhưng bạn phải hiểu được điều đó".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước