Gói trừng phạt Nga: Lãnh đạo EU phải dành nhiều giờ để dàn xếp các khác biệt

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 01/06/2022 17:03 GMT+7

VTV.vn - Về quyết định cấm nhập khẩu phần lớn lượng dầu từ Nga, các nhà lãnh đạo EU đã phải dành nhiều giờ để dàn xếp các khác biệt trong quan điểm của các nước.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo: Có một số miễn trừ cho một số quốc gia nhất định. Cộng hòa Czech được miễn 18 tháng để họ có thời gian tinh chế một số sản phẩm nhất định. Đối với các quốc gia khác, như Hungary chẳng hạn, họ sẽ cần một khoảng thời gian cần thiết để điều chỉnh hoạt động của các nhà máy lọc dầu và chưa có khung thời gian cụ thể. Nhưng Ủy ban châu Âu sẽ kiểm tra để đảm bảo quá trình đó không kéo dài quá lâu.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte: Khi nhìn vào bức tranh tổng thể, phải nói rằng Hungary đang ở một tình thế khó, bởi vì họ đang sử dụng nguồn dầu thô từ Nga và các nhà máy lọc dầu của họ chỉ phù hợp với loại dầu đó.

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu: Hôm nay chúng ta đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ sau khi những ngày qua, đã có những suy đoán về nguy cơ thiếu đoàn kết của liên minh châu Âu.

Chủ tịch ủy ban châu Âu Von der Leyen giải thích, các nước EU sẽ có thể hoàn tất lệnh cấm đối với gần 90% tổng lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay. Với 10% còn lại, là dầu cung cấp qua đường ống, EU cũng sẽ sớm quay lại vấn đề này.

Gói trừng phạt Nga: Lãnh đạo EU phải dành nhiều giờ để dàn xếp các khác biệt - Ảnh 1.

Việc EU thay thế dầu từ Nga có thể gặp một số khó khăn

Các nước châu Âu có thể thay nguồn cung dầu từ Nga bằng dầu từ các nước Trung Đông, Na Uy, Mỹ hay Tây Phi. Tuy nhiên, theo giới phân tích châu Âu, việc EU thay thế dầu từ Nga có thể gặp một số khó khăn. Trước mắt, các nhà máy lọc dầu ở Trung và Đông Âu phải gánh thêm chi phí nếu không nhập dầu từ Nga. Hungary, cho biết, nước này cần 550 triệu euro để nâng cấp hai nhà máy lọc dầu được thiết kế để xử lý dầu của Nga, chuyển sang nguồn dầu khác, còn các nhà máy lọc dầu của Slovakia phải mất 3 năm để nâng cấp thiết bị.

Ngoài ra, có khả năng Saudi Arabia và UAE đang dè dặt chuyển hướng bán dầu sang châu Âu vì sợ mất khách hàng lớn là Trung Quốc. EU gặp khó với nguồn dầu từ Iraq và Libya vì những bế tắc chính trị và cơ sở hạ tầng của Iraq chưa nâng cao được sản lượng. Iran có đủ điều kiện bổ sung dầu vào thị trường nhưng vướng các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mỹ có khả năng tăng sản lượng và bán nhiều dầu thô cho châu Âu, nhưng dầu Mỹ nhẹ và không thích hợp để sản xuất dầu diesel và xăng mà các thị trường cần.

Câu hỏi lúc này là khoảng 2 triệu thùng/ngày mà EU tới đây không mua từ Nga nữa sẽ chảy về đâu. Hay là thị trường sẽ bị hụt luôn lượng cung 2 triệu thùng/ngày?

Nga đã vừa tuyên bố sẽ đi tìm những nhà nhập khẩu khác thay thế cho EU, khách hàng tiềm năng hàng đầu lúc này là Ấn Độ và Trung Quốc. Như Ấn Độ, theo các đánh giá độc lập, thì trong tháng 5 này đã nhập khẩu dầu thô từ Nga gấp tới 9 lần mức trung bình của năm 2021. Vậy nhưng liệu Ấn Độ, Trung Quốc và một số nền kinh tế châu Á khác có thể hấp thụ đến đâu lượng 2 triệu thùng/ngày kia vẫn còn là câu hỏi.

Gói trừng phạt Nga: Lãnh đạo EU phải dành nhiều giờ để dàn xếp các khác biệt - Ảnh 2.

Bởi lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây còn đánh vào ngành ngân hàng của Nga nữa, nên các nước mua dầu của Nga là không đơn giản. Ngoài ra, dầu xuất khẩu của Nga sang châu Á sẽ phải đối mặt với bài toán về chi phí vận chuyển nữa. Chẳng hạn như Ấn Độ, nhập dầu từ Vùng Vịnh chỉ mất 3 ngày, nhưng từ Nga phải mất 25 ngày. Vậy nên giá dầu thời gian tới tất yếu sẽ tăng lên. Chỉ hy vọng lệnh cấm vận của EU với dầu Nga chỉ chính thức có hiệu lực từ cuối năm nay. Từ đây tới lúc đó, nếu may mắn thì thế giới sẽ có được những chuyển biến tích cực từ một số nguồn cung như Iran, Venezuela hay ngành dầu khí đá phiến của Mỹ chẳng hạn.

Lệnh cấm mới đối với dầu mỏ của Nga đã gây thêm áp lực cho thị trường dầu thô vốn đã căng thẳng về nguồn cung, khi mà nhu cầu xăng, dầu và nhiên liệu máy bay đang tăng cao ngay trước đợt cao điểm về du lịch hè ở các nước.

Giá dầu thô đã tăng 60% trong năm nay do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Nga. Bây giờ EU sẽ phải tìm nguồn cung thay thế hợp lý và nhanh chóng, để giúp làm giảm đà tăng của giá nhiên liệu, từ đó kiềm chế lạm phát. Trong khi Nga cũng sẽ phải đi tìm kiếm các khách hàng mới, thị trường mới đủ sức hấp thụ một lượng dầu tương đương với châu Âu. Đây là bài toán khó của cả Nga và EU, nhưng lại là khả năng mà hai bên đều đã tính tới từ trước.

Người Mỹ ưu tiên kinh tế hơn trừng phạt Nga Người Mỹ ưu tiên kinh tế hơn trừng phạt Nga Mỹ tăng trừng phạt tài chính Nga Mỹ tăng trừng phạt tài chính Nga Nga trừng phạt hơn 30 công ty năng lượng nước ngoài Nga trừng phạt hơn 30 công ty năng lượng nước ngoài

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

lãnh đạo EU

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước