Phần lớn diện tích thành phố Rotterdam của Hà Lan nằm ở độ cao thấp hơn nhiều mét so với mực nước biển, đặc biệt dễ bị tổn thương trước tình trạng nước biển dâng do Trái đất nóng lên.
Nhiều biện pháp ngăn chặn lụt đã được chính quyền thành phố này đẩy mạnh. Những giải pháp này có thể được tham khảo và áp dụng phù hợp ở nhiều nước trên thế giới.
Một tòa nhà văn phòng có lắp đặt một loại bể chứa nước mưa đầu tiên trên mái nhà, giúp bảo vệ hệ thống thoát nước khỏi bị ngập trong các trận mưa lớn. Trong khi đó, mái nhà hoạt động như một miếng bọt biển.
Hà Lan cải tạo mái nhà thành các bể chứa nước mưa nhằm giảm thiểu lũ lụt.
Ông Rob Steltenpohl (Công ty Cải tạo mái nhà xanh Optigrün) cho biết: "Có một van tại điểm thoát nước. Nó tự động liên lạc với một máy chủ thời tiết và kiểm tra xem có đủ khả năng chứa thêm nước mưa không. Nếu không, nước sẽ được xả ra qua một hệ thống ống dẫn bên ngoài tòa nhà".
Trong tương lai, nước mưa sẽ được sử dụng để tưới cây hoặc để xả bồn cầu trong tòa nhà. Nhưng hệ thống này khá đắt đỏ và quá nặng đối với nhiều tòa nhà.
Bà Ieke Benschop (Hiệp hội Môi trường Utrecht) cho rằng: "Hiện tại, chưa có yêu cầu phải làm gì với các mái nhà của các tòa nhà mới. Nhưng ngay trên các tòa nhà hiện có, vẫn có khoảng 400 km² mái phẳng, cộng với các mái dốc. Chúng ta có thể thu thập nước, xây dựng chỗ ở cho côn trùng để bảo tồn đa dạng sinh học hoặc lắp đặt các bộ thu năng lượng Mặt trời. Có nhiều tiềm năng khổng lồ vẫn chưa được khai thác trên những mái của các tòa nhà".
Cần có thêm nhiều đổi mới, chẳng hạn như vật liệu nhẹ hơn. Nhưng kế hoạch của Rotterdam hướng tới là "có nhiều mái nhà thông minh hơn và trở thành một thành phố có những miếng bọt biển hút nước mưa".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!