Đây được xem là những bước đi tiếp theo để ông Donald Trump thực hiện những cam kết của mình về hạn chế nguồn lao động nhập cư, đồng thời khuyến khích tuyển dụng nguồn lao động Mỹ theo khẩu hiệu "mua hàng Mỹ, dùng người Mỹ" mà ông từng đưa ra.
Mặc dù vậy từ trước đến nay, H1-B luôn được xem là loại giấy thông hành giúp các doanh nghiệp lớn của Mỹ, đặc biệt là những ngành như công nghệ và tài chính có thể thu hút những du học sinh tại Mỹ, hay các nhân sự trình độ cao từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc. Vậy một khi những quy định hạn chế với visa H1-B được ban bố, liệu nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục hưởng lợi lớn như hiện nay?
Theo những người kêu gọi siết chặt quy chế, thực chất doanh nghiệp Mỹ đang dùng H1-B như một lỗ hổng thu hút nguồn lao động giá rẻ nước ngoài thay vì thuê lao động Mỹ. Quy chế H1-B cũng bị cho là gây tổn hại cho chính lao động nước ngoài bởi họ sẽ phải chấp nhận các điều kiện làm việc tiêu cực, nếu không muốn mất việc và phải về nước.
Các tập đoàn Mỹ, đặc biệt là giới công nghệ là những người phản ứng dữ dội nhất, khi tới 2/3 số lao động mang visa H1-B đến với thung lũng Silicon. Họ đang bị đe dọa sẽ mất đi sức cạnh tranh, nếu không còn hấp dẫn được lao động nước ngoài. Đặc biệt, chính Ấn Độ đang đưa ra những kế hoạch ưu đãi cho nguồn nhân sự chất lượng cao của nước mình.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!