Hàng loạt hệ lụy từ việc mực nước sông Mekong xuống thấp nhất lịch sử

Tường Vy (VTV8)-Thứ hai, ngày 05/08/2019 22:28 GMT+7

VTV.vn - Trong những ngày qua, nhiều người đã rùng mình khi nhìn thấy hình ảnh dòng sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan khô cạn nước.

Là 1 trong 10 con sông lớn nhất trên thế giới với chiều dài trên 4.800km, chảy qua 6 nước gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, sông Mekong là nguồn cung cấp dòng nước ngọt, phù sa và thủy sản để nuôi sống hàng chục triệu người sống ven lưu vực con sông này.

Truyền thông Thái Lan cho biết, hiện mực nước sông Mekong đoạn chảy qua nước này đang ở mức 2,6m, thấp hơn khoảng 10m so với điểm tràn bờ. Vào cùng kỳ năm 2018, mực nước ở khúc sông này cao 12m. Tại tỉnh Nakhon Phanom, giáp biên giới với Lào, mực nước sông Mekong chỉ cao khoảng 1,5m, được xem là mức thấp nhất trong gần 100 năm qua. Có những đoạn người dân Thái Lan chỉ việc lội bộ qua sông là có thể sang tới bờ bên kia của đất Lào.

Nguyên nhân mực nước sông Mekong xuống thấp ngay cả trong mùa mưa tại khu vực này một phần là do hạn hán. Ngoài ra, các nhà khoa học và người dân sống dọc bờ sông lo ngại rằng ảnh hưởng của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm càng trở nên trầm trọng hơn do các đập thủy điện ở thượng nguồn đã chặn dòng chảy.

Một nhóm dân sự Thái Lan chuyên nghiên cứu tác động của những con đập được xây dựng dọc sông Mekong đã cáo buộc 8 đập thủy điện ở Trung Quốc là “thủ phạm” chính khiến mực nước sông xuống thấp kỷ lục, ảnh hưởng nặng nề người dân các nước sinh sống ở vùng hạ lưu.

Việc nước sông Mekong xuống thấp ngay cả vào mùa mưa như hiện nay có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với các nước dọc sông Mekong, đặc biệt là hai quốc gia ở hạ nguồn Campuchia và Việt Nam. Hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, không đủ lượng nước phục vụ trồng trọt. Hệ sinh thái và đa dạng sinh học dọc dòng sông chịu tác động tiêu cực, nhiều loài sinh vật bị đe dọa. Lượng cá của sông Mekong, nguồn thực phẩm quan trọng đối với người dân sống ở lưu vực sông, cũng bị sụt giảm. Bên cạnh đó, giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn. Đến nay vẫn chưa có báo cáo đầy đủ về ảnh hưởng của hệ sinh thái và môi trường sống của các loài cá do nước sông Mekong xuống thấp, nhưng theo các ngư dân Lào và Thái Lan, đã có rất nhiều cá bị chết, lượng cá đánh bắt được trên sông Mekong đã thấp hơn các năm trước.

Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong cho thấy, những tác động tiêu cực từ hệ thống đập này còn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái của cả ĐBSCL tại Việt Nam. Những hệ lụy đó là làm giảm phù sa và cát, gây ra sạt lở nghiêm trọng, sâu bệnh bùng phát và tình trạng xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt hơn.


Thái Lan yêu cầu Trung Quốc, Lào, Myanmar xả nước chống hạn ở sông Mekong Thái Lan yêu cầu Trung Quốc, Lào, Myanmar xả nước chống hạn ở sông Mekong

VTV.vn - Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vừa yêu cầu Trung Quốc, Lào và Myanmar xả nước từ các hồ chứa thủy điện vào sông Mekong.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước