Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ví là "Hiệp định thương mại của thế kỷ XXI". Sau lễ ký kết ngày 4/2, 12 quốc gia sẽ bắt đầu quá trình phê chuẩn trong nước và có 2 năm để hoàn thành trước khi hiệp định có hiệu lực. Nếu được phê chuẩn, việc TPP đi vào thực thi sẽ mang lại bước đột phá quan trọng trong hoạt động thương mại toàn cầu.
Hiệp định TPP mở ra một không gian kết nối hai đầu Thái Bình Dương giữa Bắc Mỹ và Đông Á, tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 790 triệu dân, chiếm 40% tổng sản lượng kinh tế và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Trong không gian kinh tế mở TPP, hơn 18.000 loại thuế sẽ bị xóa bỏ, giúp thúc đẩy phạm vi thương mại và đầu tư hàng hóa, dịch vụ sang những khu vực mới.
Việt Nam và Malaysia được nhận định là 2 quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP khi việc thực thi hiệp định này có thể giúp cho GDP của Việt Nam tăng 10% và GDP của Malaysia tăng 8%. Các cường quốc kinh tế như Mỹ và Nhật Bản cũng được hưởng lợi từ TPP. Đại diện Thương Mại Mỹ Michael Froman cho biết, TPP có thể giúp kinh tế Mỹ tạo ra thêm 100 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, sự tự do giao thương cũng đi kèm với những điều kiện ràng buộc. Tham gia sân chơi TPP, các nước thành viên phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao từ những quy định khắt khe về môi trường, lao động tới các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây cũng từng là rào cản khiến đàm phán TPP phải mất hơn 5 năm mới hoàn tất.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: “TPP là một nỗ lực nhằm tạo ra một khu vực kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nơi được coi là trung tâm tăng trưởng của thế giới. Nhưng TPP cũng sẽ đặt ra các quy tắc hướng tới thương mại tự do và công bằng trong các lĩnh vực toàn diện như doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư cải cách và tải sản trí tuệ".
Một trong những điểm mới của TPP là yêu cầu cao hơn về trách nhiệm xã hội. Không chỉ chạy theo lợi nhuận, TPP đòi hỏi cam kết của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế bền vững thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định: “TPP có các tiêu chuẩn về lao động cao nhất trong lịch sử các hiệp định thương mại như giờ lao động công bằng, bảo vệ lao động trẻ em. TPP cũng bao gồm tiêu chuẩn môi trường cao nhất trong lịch sử".
TPP được đánh giá là hiệp định của thế kỷ XXI với mục tiêu tạo ra một tiêu chuẩn, khuôn khổ cơ bản cho quá trình hội nhập khu vực. Vì vậy, nhiều khả năng TPP sẽ không phải đích đến cuối cùng mà là “bệ phóng” cho những thỏa thuận kinh tế tham vọng hơn, hoạch định tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.